Phóng xạ hạt nhân nồng độ thấp có nguồn gốc từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị động đất-sóng thần tàn phá của Nhật vừa được phát hiện có trong cá ngừ vây xanh ngoài khơi bang California (Mỹ).
Báo cáo khoa học do một nhóm nghiên cứu đến từ Trạm thí nghiệm sinh học biển Hopkins thuộc trường đại học Stanford (Mỹ) công bố ngày 28.5 cho biết, một lượng nhỏ đồng vị phóng xạ cesium-137 và cesium-134 được phát hiện có trong 15 con cá ngừ bắt gần vịnh San Diego hồi tháng 8.2011, tức khoảng 4 tháng sau khi các hóa chất phóng xạ bị rò rỉ ra biển ngoài khơi miền Đông Nhật Bản.
Hiện tượng cá nhiễm phóng xạ nói trên xuất hiện nhiều tháng trước khi gió và các dòng hải lưu đẩy rác từ nhà máy Fukushima Daiichi tới vùng biển ngoài khơi bang Alaska, miền Tây nước Mỹ và vùng biền Tây Bắc Thái Bình Dương của Mỹ.
Nhóm nghiên cứu không nói gì về tác động đến sức khỏe con người trong trường hợp ăn phải chúng. Tuy nhiên, nhóm cho biết hàm lượng phóng xạ phát hiện trong cá nói trên khá nhỏ (5 becquerel) - thấp hơn nhiều so với ngưỡng an toàn cho phép của Nhật. Dù vậy, mức này vẫn cao gấp 5 lần so với lượng phóng xạ cesium thường có trong cá ngừ vây xanh
Cá ngừ vây xanh chỉ đẻ trứng ở vùng biển phía Tây Thái Bình Dương, ngoài khơi Nhật Bản và Philippines. Cá con thường di cư tới vùng biển phía Đông Thái Bình Dương, ngoài khơi bang California và ở lại đây sinh trưởng. Thịt của loài cá này thường có một lượng phóng xạ tự nhiên thấp, chẳng hạn như potassium 40, chất đã tồn tại trong các đại dương trên thế giới từ lâu trước khi con người sinh ra trên Trái đất.
Khác với một số chất phóng xạ khác, đồng vị phóng xạ cesium thường không nhanh chóng chìm xuống đáy biển mà lơ lửng trong nước. Cá có thể nhiễm chúng do ăn phải vi sinh vật hay rong biển lẫn cesium.
|