3 yếu tố khiến tỉ lệ người cao tuổi của Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng tăng lên nhanh chóng là: tỉ suất sinh giảm, tỉ suất chết giảm và tuổi thọ tăng. Riêng Bình Định vì có sự xuất cư lao động khiến tình trạng “già hóa” dân số đến sớm hơn cả nước đến 8 năm.
Theo Luật Người cao tuổi, người cao tuổi là công dân Việt Nam đủ 60 tuổi trở lên. Theo Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc, dân số một nước được gọi là “già hóa” khi tỉ lệ người cao tuổi chiếm 10-20%; được gọi là “già” khi tỉ lệ này là 20-30%; được gọi là “siêu già” khi tỉ lệ người cao tuổi từ 30% trở lên.
|
Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại huyện Vân Canh. Ảnh: T.HIỀN |
Trong ba thập kỷ qua, dân số Việt Nam cũng như tại Bình Định đã có những biến động mạnh mẽ về quy mô và cơ cấu tuổi. Nếu năm 1979, cả nước có 3,71 triệu người cao tuổi (chiếm 6,9% dân số) thì tới năm 2009 đã có 7,72 triệu người (chiếm 9% dân số). Dự báo dân số của Tổng cục Thống kê năm 2010 cho thấy tỉ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên ở Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 10% tổng dân số vào năm 2017, đồng nghĩa với việc dân số Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn “già hóa”.
Tại Bình Định, năm 1979 có 83.151 người cao tuổi, chiếm 7,6% dân số; đến năm 2009 con số này đã tăng gần gấp đôi với 160.875 người cao tuổi, chiếm 10,8% dân số. Như vậy, Bình Định đã bước vào giai đoạn “già hóa” dân số từ năm 2009, sớm hơn cả nước đến 8 năm.
Tình trạng già hóa dân số tại Bình Định ngày càng tăng. Theo cơ sở dữ liệu quản lý tại Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, tính đến 30.4.2012, số người cao tuổi của Bình Định đã tăng lên tới con số 186.515 người, chiếm 12,5% dân số. Thống kê theo đơn vị cấp xã, đã có 20 địa phương có tỉ lệ người cao tuổi chiếm trên 15% dân số, như: Nhơn Khánh 17,3%, Nhơn Phúc 17,2%, Nhơn Mỹ 16,4%, Nhơn Phong 15,4% (An Nhơn); Hoài Châu Bắc 15,4%, Hoài Sơn 15,4% (Hoài Nhơn); Ân Thạnh 15,8%, Ân Phong 15,7%, Ân Hảo Đông 15,1%, Ân Tường Đông 15,1% (Hoài Ân); Tây Vinh 17,2%, Tây Bình 17,1%, Bình Hòa 16,2%, Bình Thuận 15,7%, Phú Phong 15,1% (Tây Sơn); Cát Tài 16,6%, Cát Hiệp 15,2% (Phù Cát); Mỹ Hòa 16,3%, Mỹ Thắng 15,1% (Phù Mỹ).
Tính từ năm 2009 đến năm 2012, bình quân mỗi năm tỉ lệ người cao tuổi của Bình Định tăng hơn 0,5%. Với tốc độ gia tăng nhanh như vậy thì dân số Bình Định dự báo sẽ bước vào giai đoạn “già” vào năm 2025. Từ số liệu của bốn cuộc Tổng Điều tra Dân số giai đoạn 1979-2009 cho thấy, tỉ lệ người cao tuổi của cả nước cũng như Bình Định ở nhóm tuổi thấp nhất (60-69 tuổi) tăng chậm, trong khi tỉ lệ người cao tuổi ở nhóm cao tuổi trung bình (70-79 tuổi) và già nhất (80 tuổi lên) có xu hướng tăng nhanh hơn.
Giống như gia tăng dân số, già hóa dân số nhanh sẽ tạo ra nhiều áp lực tới tăng trưởng kinh tế, cơ sở hạ tầng hiện tại và các dịch vụ chăm sóc y tế. Ngoài ra già hóa dân số còn tác động tới các mối quan hệ gia đình, lối sống và hệ thống bảo trợ, phúc lợi xã hội, đặc biệt là quỹ hưu trí. Chỉ tính riêng về chi phí cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đã gấp 7-8 lần so với chăm sóc sức khỏe trẻ em; trong khi kinh phí y tế hằng năm chỉ chiếm 56% GDP (khoảng 45 USD/người/năm).
Chăm sóc người cao tuổi là vấn đề được Nhà nước quan tâm, phù hợp với truyền thống đạo đức của người Việt Nam kính trọng người già, ông bà, cha mẹ. Sự phát triển về kinh tế đang tác động đến nhóm dân số thiệt thòi trong xã hội, trong đó có nhóm người cao tuổi. Vì thế, chăm sóc người cao tuổi đang và sẽ là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn trong lĩnh vực an sinh xã hội, dân số và y tế.
|