Báo chí và cuộc thỏa hiệp với mạng xã hội
9:52', 21/6/ 2012 (GMT+7)

"Có một máy bay trên sông. Tôi đang trên phà đi cứu họ", câu chữ gấp gáp soạn từ iPhone này trở thành ví dụ kinh điển vì đây là tin đầu tiên về vụ tai nạn gây chấn động được đưa lên Twitter bằng smartphone trước khi báo chí biết đến.

 
Ngày nay, bất cứ ai cũng có thể trở thành nhà báo công dân, như bé Martha Payne 9 tuổi (Scotland) viết blog về các món ăn quá tệ ở trường.

Thông điệp của blogger Janis Krums ở trên được đăng ngày 16.1.2009 về vụ máy bay Airbus 320 rơi trên sông Hudson (Mỹ), đánh dấu giai đoạn người dùng bắt đầu sử dụng các thiết bị cầm tay như smartphone để chia sẻ thông tin lên mạng xã hội.

Còn việc báo chí khai thác tin từ Internet đã xuất hiện cách đây cả thập kỷ ngay từ khi người dùng có khả năng đưa thông tin lên mạng. Internet được coi là một phần quan trọng, là tấm gương phản ánh cuộc sống, do đó nhà báo hiện đại đều hiểu họ sẽ tụt hậu nếu chỉ săn tin ngoài đời mà quên mất một thế giới sôi động với đủ các cung bậc hỉ nộ ái ố của blog, của Facebook, của Twitter...

Hầu hết các nghi án đạo nhạc, đạo phim, scandal lộ ảnh sex... đều do cộng đồng mạng phát hiện và đem ra mổ xẻ. Không ít câu chuyện cảm động, hoàn cảnh khó khăn được viết lên blog trước khi báo chí lên tiếng. Cuối năm 2011, hai du khách Hong Kong là Kay và Doris tới Sài Gòn đón Giáng sinh nhưng bị cướp hết giấy tờ và tiền bạc. Bi kịch của họ bất ngờ thành kỷ niệm đáng nhớ sau khi một blogger đã lên mạng kêu gọi cộng đồng giúp đỡ. Câu chuyện lan truyền mạnh mẽ tới mức báo chí cũng vào cuộc và đôi tình nhân này sớm nhận được hộ chiếu để trở về nước.

 
Điện thoại di động, camera... đang giúp bất cứ ai cũng có thể trở thành nhà báo công dân.

Sự phổ biến của điện thoại với kết nối di động đem lại cho mạng xã hội lợi thế về tốc độ, sự phong phú và nhất là "nguồn tin không giới hạn" hơn bất cứ một tờ báo nào. "Chúa ơi, dì của tôi làm việc cho Whitney Houston và vừa biết tin cô ấy chết trong bồn tắm. Buồn quá", thông điệp trên Twitter của Aja Dior Navy khiến cô trở thành người đầu tiên trên thế giới đưa tin về sự ra đi của nữ diva, sớm hơn 30 phút so với báo chí. Hay trong khi nhà báo còn bận chọn lọc câu chữ, kiểm tra nội dung thì những hình ảnh đầu tiên về trận mưa kỷ lục, vụ tai nạn thảm khốc... đã kịp được chụp bằng smartphone và truyền lên mạng ngay tại hiện trường.

Tuy nhiên, không phải thông tin nào cũng mang tính báo chí và báo chí không bao giờ mất đi vai trò "người gác cổng thông tin". Richard Sambrook, Giám đốc Bộ phận tin tức toàn cầu của BBC, cho rằng mỗi ngày bạn nhận được vô số thông tin khi truy cập vào Twitter, Facebook... nhưng chúng không chính thống. Chúng vẫn cần tới báo chí để xác minh, đưa vào bối cảnh cụ thể. Giá trị của báo chí nằm ở sự khách quan và độ tin cậy. Bạn nghe tin Steve Jobs qua đời từ đâu? Nếu từ Facebook, bạn tin ngay hay vội vàng mở một trang báo uy tín ra để kiểm chứng? Trường hợp mới nhất là vụ clip ghi lại cảnh ném phao thi, chép tài liệu xuất hiện trên mạng chiều 4.6 đã nhanh chóng bùng nổ và gây tranh cãi trong cộng đồng. Sau đó, báo chí đã xác minh vụ việc diễn ra ở Đồi Ngô, Bắc Giang.

 
Tham gia mạng xã hội giúp người đọc biết sớm thông tin, nhưng họ vẫn phải kiểm tra qua báo chí.

"Nhà báo chuyên nghiệp luôn có chỗ đứng bởi họ được đào tạo, biết cách và có điều kiện xác thực thông tin. Một thông điệp trên Twitter có để truyền tới 5 châu chỉ trong vài phút, nhưng sẽ không tránh khỏi tam sao thất bản. Khi bạn đọc dòng chữ 'R.I.P Steve Jobs' từ một người bạn, bạn biết CEO Apple qua đời. Nhưng bạn không biết vì sao, khi nàoở đâu chuyện đó xảy ra", trang The Next Web nhận định.

Tuy nhiên, các nhà báo đang chấp nhận một thực tế rằng họ không nên cố cạnh tranh hay chạy đua với Internet mà cần hợp tác và thỏa hiệp. Lướt web mỗi ngày và theo dõi tài khoản của những "ngôi sao trên mạng" là một cách săn tin trong thời đại mới. Bên cạnh đó, họ cũng tích cực chia sẻ thông tin lên mạng. Hiện nay, hầu như tất cả các tờ báo nổi tiếng thế giới đều có tài khoản Facebook, Twitter để làm cầu nối với độc giả cũng như tiếp nhận thông tin từ độc giả. Hình ảnh đầu tiên về một sự kiện lớn được ban biên tập cập nhật lên Facebook trước khi họ hoàn thiện bài viết để đăng lên báo. "Tôi dành cả ngày trên mạng, sử dụng một số công cụ để theo dõi các chủ đề nào đang gây sốt. Khi có những sự kiện lớn diễn ra, tôi đảo qua đảo lại giữa Twitter, Facebook và Tumblr để liên tục cập nhật và theo dõi bình luận. Những thông tin đó giúp tôi dễ dàng phát triển bài viết trong khi độc giả cũng hiểu chúng tôi đã biết thông tin đó rồi và bài viết sẽ sớm lên ngay khi nội dung hoàn thiện", một biên tập viên chia sẻ.

 
Báo chí cũng cần biết cách khai thác nguồn tin từ mạng xã hội.

"Với sự tiếp sức của 4 tỷ người dùng điện thoại trên toàn thế giới, các mạng xã hội như Twitter, Facebook, các trang chia sẻ video như YouTube... là nơi tiếp nhận mọi thứ xảy ra trên thế giới. Báo chí đang có cơ hội tiếp cận một nguồn tin khổng lồ và ở đó cũng có một lượng độc giả khổng lồ mà họ có thể vươn tới", nhà báo Paul Lewis của The Guardian (Anh), nhấn mạnh.

. Theo VnExpress

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phương pháp mới phát hiện sớm vữa xơ động mạch  (20/06/2012)
Ban Thẩm định tử vong mẹ tiến hành thẩm định  (19/06/2012)
Hội nghị sơ kết hoạt động các trang thông tin điện tử  (18/06/2012)
Chính phủ nhiều nước yêu cầu Google tăng cường kiểm duyệt nội dung mạng  (18/06/2012)
Hoạt động khai thác dầu, khí đốt gây ra động đất  (18/06/2012)
Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ Thần Châu-9  (17/06/2012)
Ngăn chặn nạn cò mồi trong khám, chữa bệnh  (17/06/2012)
“Chén kia trong sóng còn khua”  (16/06/2012)
Cấp, gia hạn giấy phép sử dụng tần số, thiết bị vô tuyến điện  (16/06/2012)
"Việt Nam là nước hạnh phúc thứ hai trên thế giới"  (16/06/2012)
Dân số sớm “già hóa”  (15/06/2012)
Triển khai thành công mổ nội soi thoát vị đĩa đệm  (15/06/2012)
Việt Nam sắp sản xuất xe buýt "sạch"  (15/06/2012)
3 điều ở phụ nữ mà nam giới không thể cưỡng lại  (14/06/2012)
Lướt net tìm đồ chơi cho trẻ   (13/06/2012)