Tháng 7 hàng năm, khi các sĩ tử bước vào kỳ “sát hạch” cam go nhất của 12 năm miệt mài đèn sách, cũng là lúc các bậc phụ huynh mất ăn, mất ngủ cùng con.
Sau môn thi tốt nghiệp cuối cùng, Phạm Trung Kiên - học sinh Trường THPT Quốc Học, TP Quy Nhơn - chỉ có một buổi chiều “xả hơi” tắm biển cùng bạn bè, rồi lập tức lao vào ôn thi đại học. Cha mẹ Kiên đều là công chức, đồng lương nhà nước ít ỏi vẫn quyết định chi “đậm” cho con ôn thi.
|
Con cái đỗ đạt là mong mỏi vô bờ bến của cha mẹ.
- Trong ảnh: Phụ huynh hồi hộp chờ con kiểm tra lại bài thi trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2011. |
Chị Hòa, mẹ của Kiên, cho biết: “Vợ chồng tôi tiết kiệm lương cả năm trời để bắt điều hòa trong phòng của con, còn tủ lạnh lúc nào cũng sẵn sữa chua, chè đậu, nước ép trái cây… Bà nội cháu ở quê cũng mới gởi vô 5 con gà tơ, dặn tôi khuya hầm canh, nấu cháo bồi dưỡng cho cháu”. Chị đúc kết: “Con thức học bài khuya cỡ nào, vợ chồng tôi cũng thức đến đó, pha cho con ly sữa, nấu tô mì, hay chỉ đơn giản là thức để cùng động viên con”.
Không khí “cả nhà ôn thi đại học” không phải chỉ nóng từ ngày các sĩ tử kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trước đó, con băn khoăn chọn ngành, chọn trường để làm hồ sơ, phụ huynh cũng đã vào “guồng” cùng con. “Sợ con không lượng được sức, chọn trường tỉ lệ “chọi” cao, tôi tìm gặp các thầy cô dạy Toán, Lý, Hóa hỏi thăm về lực học của con để tư vấn thêm cho con. Tuy gia đình không khá giả gì nhưng vợ chồng tôi vẫn cho cháu ôn thi theo nhóm nhỏ tại nhà thầy cô, tốn kém gấp nhiều lần luyện thi ở trung tâm, cốt sao học chất lượng” - ông Lê Xuân Hiệp, ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn, chia sẻ.
Phần đông thí sinh trong tỉnh thi ở Cụm thi liên trường TP Quy Nhơn, nhưng không ít phụ huynh đã lên kế hoạch xin nghỉ phép, tạm dừng công việc làm ăn để đưa đón con đi thi. Nhiều phụ huynh còn tất tả liên hệ ngược xuôi mua bằng được vé tàu, vé xe để tiếp tục đưa con vào Nam, ra Bắc tìm thêm cơ hội.
Nhiều đêm khuya tưởng ba mẹ đã ngủ, đi xuống nhà mới thấy mẹ còn loay hoay trong bếp nấu nướng; rồi thỉnh thoảng ba vào phòng im lặng đứng sau lưng, tay xoa xoa đầu em động viên… Thời gian này, em cảm nhận rõ sự lo lắng, kỳ vọng của ba mẹ dành cho mình, là động lực nhưng cũng tạo áp lực ghê gớm” - Nguyễn Thị Thanh Hà, ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, tâm sự. Năm nay, Hà đăng ký thi tuyển sinh vào Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh.
Quá chăm chút, kỳ vọng con em bước vào ngưỡng cửa trường đại học, không ít phụ huynh đã vô tình tạo gánh nặng tâm lý cho chính con mình. Điểm chung của phụ huynh là muốn giành lấy mọi lo lắng, thiệt thòi về mình, tạo điều kiện tốt nhất cho con bước vào kỳ thi, nhưng nhiều sĩ tử bị “ngộp thở” bởi sự “đồng hành” của cha mẹ. Lúc này, phụ huynh cần phải hiểu rõ điều kiện học hành, tâm lý của con em mình, để có sự quan tâm, chăm sóc sao cho hợp lý nhất.
|