Vì nhiều lý do, người đàn ông chấp nhận xa gia đình để học tập, công tác trong vài năm. Chồng đi xa, người vợ ở nhà cũng lắm vất vả, buồn tủi. Để vượt qua khó khăn, người vợ rất cần sự ủng hộ, cảm thông của người bạn đời.
|
Những phút giây gia đình đầm ấm. Ảnh: St |
Vượt qua hoàn cảnh
Vợ chồng anh chị Văn Đức - Hoàng Dung, ở đường 31.3, TP Quy Nhơn cưới nhau được 5 năm thì anh quyết định đi lao động xuất khẩu ở Hàn Quốc. Ngày anh đi, chị vừa mang bầu đứa thứ 2 được 6 tháng. Anh Đức được nhận vào làm tại một trang trại ở Chungju, thuộc tỉnh Bắc Chungcheong, Hàn Quốc. Nghe anh gọi điện kể về cuộc sống, chị chỉ muốn bảo chồng về ngay, nhưng nghĩ tới món nợ gần 200 triệu đồng để lo phí đi, học tiếng, vé máy bay…, vợ chồng lại động viên nhau cùng cố gắng. Vì thế, lẽ ra anh Đức chỉ đi 3 năm mong kiếm chút vốn về nước làm ăn, bây giờ phải đăng ký “gia hạn” thêm 5 năm nữa mới hy vọng đổi đời. Đầu năm nay, anh mới có dịp về thăm nhà. Cả nhà anh Đức, chị Dung đã khóc khi gặp nhau, chồng thương vợ, thương con, vợ thì bao nỗi tủi hờn, chất chứa trong lòng suốt 3 năm giờ mới có người thấu hiểu, con thì khóc không theo ba vì… lạ. Chị Hoàng Dung tâm sự: “Chồng đi xa mãi rồi cũng quen. Những lúc thấy cực quá thì khóc và tự an ủi rằng, mình ở nhà dẫu vất vả, nhưng vẫn còn có con cái, gia đình và bạn bè xung quanh. Anh ấy sang đó, vừa phải kiếm tiền, lao động vất vả, lại lạ nước lạ cái mà không có ai bên cạnh an ủi, chia sẻ”.
Khi chồng ngỏ ý muốn đi du học lấy bằng thạc sĩ ở nước ngoài, chị Minh Lan, một nhà báo, gật đầu cái rụp. Bởi chị muốn tốt cho chồng, hơn nữa chị tự tin vào khả năng độc lập quán xuyến gia đình của mình. Vậy mà thời gian đầu, chị cũng không tránh khỏi những nỗi niềm của cảnh “vợ chồng Ngâu”: “Chồng mới đi có non tháng mà mệt quá. Áp lực công việc, cộng với việc chăm sóc con, rồi đưa đón con đi học, ấy là chưa kể lúc bọn nhóc đau ốm. Nhiều lúc, công việc đang ngổn ngang mà chồng thì nhớ nhà, nhớ con cứ gọi ời ời trên mạng. Biết khi nào mới hết cảnh vợ xa chồng, chồng xa vợ!”.
Khi đã quen nếp sống có đủ cả vợ lẫn chồng, giờ xa nhau, nhiều phụ nữ đã phải gồng mình “chiến đấu”, cho đến khi thích nghi với hoàn cảnh. Chị Quỳnh Trang, giáo viên một trường THCS ở Tuy Phước, có chồng phục vụ trong quân ngũ ở tỉnh Gia Lai, bộc bạch: “Chồng đi xa, mọi việc lớn nhỏ trong nhà tôi đều phải lo. Nhờ đó, từ một người phụ nữ yếu đuối, luôn cần được che chở, tôi đã trở nên mạnh mẽ và dứt khoát”.
|
Vợ chồng chị Riêng vừa cưới nhau vài tháng đã phải xa nhau đằng đẵng 2 năm. Để thỏa nỗi nhớ chồng, chị Riêng luôn mang bên mình tấm hình cưới này của hai người. |
Nuôi dưỡng tình yêu
Không người phụ nữ nào lấy chồng mà lại muốn xa chồng, đặc biệt là những cặp vợ chồng trẻ, mới cưới, khi tình cảm đang thắm thiết, mặn nồng. Thế nên, chấp nhận để chồng đi xa cũng là một sự hy sinh và cố gắng lớn của phụ nữ. Chị Nguyễn Thị Riêng, ở Bình An, Tây Sơn vừa lấy chồng được vài tháng đã phải tạm cách xa. Trong thời gian chờ chồng đi học 2 năm ở Mỹ và tìm cơ hội việc làm tại Mỹ, sau đó đón vợ sang, chị Riêng đã vùi đầu vào việc học tiếng Anh, nấu ăn, cắm hoa, đọc sách… để nguôi ngoai nỗi nhớ. Bất cứ lúc nào rảnh rỗi, hai vợ chồng lại chat, gọi điện thoại, lên Facebook để liên lạc với nhau. Đặc biệt, chị Riêng tự đặt ra cho mình một quy tắc là không đi chơi, tụ tập bạn bè để không có cơ hội “xao lòng” và tạo niềm tin tuyệt đối với chồng và gia đình chồng.
Và hơn bao giờ hết, xa nhau, phụ nữ rất cần sự ủng hộ, cảm thông của người bạn đời... Bản thân chị Minh Lan, những khi vợ chồng điện thoại tâm sự với nhau khi đã khuya, lúc con cái đã say giấc và mọi công việc trong ngày tạm gác lại, thì chị mới thật sự thấm thía nỗi cô đơn và nhớ chồng da diết.
Để nuôi dưỡng tình yêu và giúp con có cảm giác không lạ lẫm với ba khi gặp lại, chị Hoàng Dung chia sẻ: “Trung bình, mỗi tuần tôi dành 3 buổi tối, mỗi buổi khoảng 30 phút để hai đứa con gái nói chuyện với ba qua internet, xem hình ảnh qua webcam. Trong phòng ngủ của hai con, tôi dành khoảng tường treo hình ảnh ba chúng. Tôi cũng cố gắng sắp xếp để thỉnh thoảng đưa các con về quê thăm ông bà nội. Riêng vợ chồng thì liên lạc thường xuyên, chia sẻ về mọi chuyện trong cuộc sống, kể cả những lúc tâm trạng không ổn để người bạn đời hiểu mình hơn. Không nên giấu cảm xúc của mình với chồng, âm thầm chịu đựng, vì lâu dần mình sẽ dễ chai sạn”.
Khi xa chồng, phụ nữ còn phải đối mặt về những hệ lụy khó đón trước. Có những chị em không kìm nén được tình cảm, đã xiêu lòng trước sự quan tâm của người khác giới, để rồi lại tự dằn vặt, đau khổ… Tuy nhiên, những hiểm họa trên chỉ thành hiện thực nếu người trong cuộc buông thả, thiếu bản lĩnh.
Theo những đôi vợ chồng giữ vững được hạnh phúc sau thời gian xa cách, thì những năm tháng xa nhau khiến cả hai càng quý trọng những giây phút được ở bên nhau, càng cố gắng giữ gìn, vun đắp để gia đình mình luôn là tổ ấm.
|