Ngay sau khi có Nghị quyết 47 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, Huyện ủy (nay là Thị ủy) An Nhơn đã triển khai chương trình hành động đến các cấp, các ngành, đoàn thể để chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp thực hiện.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền về pháp luật trên lĩnh vực DS-KHHGĐ tiếp tục đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức như: Pa-nô trực quan, hội thi, hội diễn, thông tin cổ động… Đài truyền thanh thị xã và các xã, phường đã tăng cường thời lượng phát sóng chuyên mục DS-KHHGĐ, nhất là trong các đợt chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ và các ngày kỷ niệm Dân số Thế giới 11.7, Dân số Việt Nam 26.12… Qua đó đã kịp thời biểu dương, cổ vũ những điển hình, mô hình gia đình tiêu biểu, gia đình sinh ít con, thành đạt và hạnh phúc…
|
Chăm sóc bệnh nhân là trẻ sơ sinh ở Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn. Ảnh: TRANG XUÂN CHI |
Đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên dân số đã tích cực truyền thông tư vấn cho các nhóm đối tượng về lĩnh vực chăm sóc SKSS/KHHGĐ như: quyền sinh sản, KHHGĐ, bình đẳng giới trong chăm sóc SKSS, sức khỏe sinh sản vị thành niên… Mặt trận Tổ quốc huyện đưa chỉ tiêu giảm sinh con thứ ba vào Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; ngành Giáo dục lồng ghép chương trình DS-KHHGĐ vào các môn học: giáo dục công dân, sinh học, địa lý; Hội Phụ nữ phát huy hiệu quả mô hình câu lạc bộ không sinh con thứ ba, câu lạc bộ bình đẳng giới, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; Hội Nông dân xây dựng mô hình Dân số và phát triển; Đoàn Thanh niên có chương trình thanh niên với DS-KHHGĐ…
Ngoài ra, các trường THCS, THPT trong thị xã đã phối hợp với cơ quan Dân số, Y tế tổ chức nhiều hoạt động truyền thông về SKSS vị thành niên; các hoạt động tư vấn, khám sức khỏe cho vị thành niên được đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả; các cuộc liên hoan, hội thi: Vợ chồng thành đạt, Phụ nữ duyên dáng, Học sinh thanh lịch… lồng ghép tìm hiểu về SKSS/KHHGĐ được tổ chức thường xuyên. Các mô hình gia đình ít con hạnh phúc tiếp tục được nhân rộng. Mỗi xã, phường đều có CLB phụ nữ không sinh con thứ 3, CLB dân số và phát triển, CLB gia đình trẻ, CLB tiền hôn nhân, góc tư vấn SKSS Tuổi Hồng ở phường Bình Định đã phát huy hiệu quả. Tư tưởng trọng nam khinh nữ, quan niệm phải sinh bằng được con trai trong cán bộ, đảng viên và nhân dân từng bước được đẩy lùi. Lợi ích về việc thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh để phát hiện và can thiệp các dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh đã được các cặp vợ chồng quan tâm hơn.
Nhờ vậy công tác truyền thông dân số, SKSS/KHHGĐ ngày càng đi vào chiều sâu. Đến nay đa số cán bộ, đảng viên nhân dân có chuyển biến tốt về nhận thức, thấy rõ được lợi ích và chấp nhận quy mô gia đình ít con.
Hiệu quả thiết thực
Năm 2011, số cặp vợ chồng trong diện từ 1 đến 2 con ở thị xã chiếm tỉ lệ 83,3% so với cặp vợ chồng trong diện sinh đẻ. Trong đó có trên 90% các cặp vợ chồng trẻ đã hưởng ứng mạnh mẽ và tích cực tham gia thực hiện tốt chương trình DS-KHHGĐ. Có trên 80% các bà mẹ mang thai được cung cấp những kiến thức cơ bản về CSSKSS trong thời kỳ mang thai. Các kiến thức, kỹ năng về giới đối với vị thành niên ngày được nâng lên.
Các kênh cung cấp dịch vụ KHHGĐ như cộng tác viên, tuyên truyền viên, dịch vụ tư nhân ngày càng phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện KHHGĐ.
Đến nay số cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại trên địa bàn thị xã đạt tỉ lệ 84,5% so với số cặp vợ chồng trong diện sinh đẻ. Chiến dịch CSSKSS/KHHGĐ đã được người dân hưởng ứng mạnh mẽ.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 47 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Thị ủy về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2001-2010, mức sinh hàng năm của thị xã An Nhơn tiếp tục giảm, tỉ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các BPTT hiện đại tăng từ 80% (2006) lên 84,5% (2011), cơ cấu các BPTT ngày càng đa dạng hóa. Tỉ lệ sinh giảm rõ rệt từ 1,24% (2006) xuống còn 1,03% (2011). Qua 5 năm, tỉ suất sinh giảm bình quân mỗi năm là 0,42‰ (Nghị quyết Thị ủy đề ra 0,3‰). Số con trung bình của cặp vợ chồng trong diện sinh đẻ có chiều hướng giảm từ 2,15 con (2006) xuống còn 2,05 con (2011). Chất lượng dân số từng bước được nâng lên; tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi năm 2011 đạt 18,1% giảm 2,8% so với năm 2006, tỉ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm đáng kể.
Thành công trong công tác DS-KHHGĐ những năm qua trên địa bàn An Nhơn là kết quả từ sự chỉ đạo thường xuyên và kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng với sự huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ các cấp, các ngành, các đoàn thể cho các hoạt động DS-KHHGĐ ở cơ sở…
(Trung tâm DS-KHHGĐ thị xã An Nhơn) |