Thời gian gần đây, cộng đồng Internet Việt Nam đã đề cập đến hoạt động của các dịch vụ do Công ty Baidu (Trung Quốc) cung cấp trên Internet với mục tiêu hướng đến thị trường nội dung số Việt Nam. Theo đó, Baidu đã âm thầm vào thị trường Việt Nam với việc triển khai một loạt dự án như các trang tìm kiếm vn.hao123.com, vn.hao222.com, phần mềm nghe nhạc vn.qianqian.com, mạng xã hội trà đá quán tieba.baidu.com.vn...
Cộng đồng mạng cũng lên tiếng cảnh báo về sự thiếu an toàn của những phần mềm và dịch vụ do Baidu cung cấp. Hôm qua, 9.7, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng Giám đốc Công ty An ninh mạng Bkav cho biết, hệ thống kỹ thuật của Bkav đã tiến hành xem xét và chưa phát hiện được những phần mềm độc hại như Virus, Malwave hay Spyware trên những dịch vụ này.
Tuy nhiên ông Quảng cho biết, có một số vấn đề bất thường ở các dịch vụ này. Cụ thể phần mềm nghe nhạc TTPlayer được cung cấp miễn phí của Baidu tại địa chỉ vn.qianqian.com, khi người dùng tải về cài đặt sẽ không xuất hiện phần giao diện cài đặt, bên cạnh đó trang chủ (homepage) trên trình duyệt Internet Explorer cũng tự động thay đổi trỏ về trang tìm kiếm vn.hao123.com mà không hỏi ý kiến người sử dụng; phần mềm hao123client cũng cài đặt thẳng vào máy tính trong quá trình này. Điều này khiến nhiều người lúng túng và nghi ngờ sự an toàn của phần mềm này.
Thậm chí có chuyên gia kỹ thuật cho rằng, việc bắt người dùng (hoặc tự động mà không hỏi ý kiến người dùng) cài các phần mềm vào máy tính như nói trên rất có thể sẽ biến máy tính thành “máy tính ma” và bị điều khiển bởi một hệ thống nào đó, đồng thời sẽ bị theo dõi thông qua Internet. Điều này giống như việc cài vào máy người dùng một đoạn mã nào đó khiến họ không kiểm soát được, trong thời gian đầu người dùng sẽ không bị gì, tuy nhiên đến một thời điểm nào đó nó khởi động và toàn bộ thông tin trên máy như tài khoản, email hay các thông tin cá nhân sẽ bị chiếm đoạt hết.
Theo ông Nguyễn Tử Quảng, những dịch vụ do Baidu cung cấp là những hình thức dịch vụ Internet xuyên quốc gia phổ biến trên thế giới, tương tự như mạng xã hội Facebook hay các dịch vụ do Google, Yahoo... cung cấp. Hiện nay Việt Nam chưa có khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh những hoạt động này. Được biết, với dự thảo sửa đổi Nghị định 97 về Internet đang được xây dựng, thời gian tới, Việt Nam sẽ có chế tài quản lý những hoạt động tương tự nhằm đảm bảo sự an toàn, quyền lợi chính đáng của người sử dụng cũng như cộng đồng Internet nói chung.
Hiện nay, khi sử dụng các dịch vụ và phần mềm trên Internet, người dùng cần xem kỹ các điều khoản sử dụng để có quyết định cuối cùng. Bởi rất nhiều phần mềm, dịch vụ hiện nay hoạt động với cơ chế tự kết nối, tự cập nhật. Vì vậy, phải hết sức cẩn trọng với những dịch vụ, phần mềm có xuất xứ không rõ ràng, thiếu uy tín. “Tốt nhất là người dùng không nên cài những phần mềm không rõ ràng, còn nếu lỡ cài rồi nên dùng các phần mềm diệt virus hay đưa cho các chuyên gia kiểm tra để xác định xem có an toàn hay không, nếu không sẽ gỡ bỏ ra khỏi máy” – ông Quảng khuyến cáo.
. Theo SGGP |