Với sự phát triển nhanh chóng của Internet, thương mại điện tử (TMĐT) đã thâm nhập tới mọi nơi, mọi ngóc ngách trong đời sống. Những năm qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ứng dụng TMĐT. Tuy nhiên, đến nay kết quả vẫn chưa được như mong đợi.
Chưa định hướng cụ thể
Ngay từ năm 2002, tỉnh ta đã triển khai đề tài “Hỗ trợ xây dựng website và sàn giao dịch điện tử (SGDĐT) trong DN”. Đây là đề tài thuộc dự án “Xây dựng phần mềm dùng chung phục vụ nhu cầu tin học hóa ở các cơ quan, đơn vị và hỗ trợ quá trình tin học hóa trong các DN”. Đề tài đã xây dựng website cho khoảng 50 đơn vị trên địa bàn tỉnh. 2 SGDĐT: www.binhdinhetour.com.vn cho khối kinh doanh du lịch; www.binhdinhetrade.com.vn cho khối sản xuất hàng hóa và xuất nhập khẩu cũng được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, sau một thời gian không lâu, 2 SGDĐT này đã chìm vào quên lãng.
|
SGDĐT chuyên ngành đồ gỗ Bình Định chưa phát huy hiệu quả như mong đợi. |
Trong năm 2011, SGDĐT chuyên ngành đồ gỗ Bình Định chính thức hoạt động qua địa chỉ www.binhdinhwood.com với nhiều tiện ích. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 năm, SGD này đã khá vắng vẻ và vẫn chỉ dừng ở mức giúp các DN chế biến gỗ đăng tải một số thông tin giới thiệu sản phẩm và DN, chứ chưa tạo nên một thị trường giao dịch trực tuyến mua - bán sản phẩm đồ gỗ giữa các DN với đối tác và người tiêu dùng như kỳ vọng ban đầu. Đây là thực trạng chung của các SDGĐT các địa phương chứ không riêng gì Bình Định.
Hiện nay, mô hình SGDĐT được rất nhiều địa phương ứng dụng. Theo thống kê của Bộ Thông tin-Truyền thông, gần 30 SGDĐT được xây dựng tại các địa phương. Tuy nhiên, tình trạng phổ biến là sau khi đi vào hoạt động, rất nhiều SGD đuối dần. Tiện ích lớn nhất của các SGDĐT cũng chỉ giới hạn ở việc đăng tải các nhu cầu mua bán. Việc tìm hiểu sâu, lựa chọn hàng hóa, đàm phán giá cả, ký kết hợp đồng…, các DN và khách hàng vẫn phải tự tìm đến nhau theo cách truyền thống (qua điện thoại hay gặp gỡ trực tiếp…). Điều này làm giảm sức hấp dẫn của SGDĐT.
Trong xu hướng phát triển TMĐT nói chung và SGDĐT nói riêng, nỗ lực của tỉnh trong việc xây dựng các SGDĐT là một bước đi đúng. Tuy nhiên, việc xây dựng một SGDĐT không đơn giản. Theo các hình mẫu phát triển của các SGDĐT đang hoạt động hiệu quả trên thế giới và trong nước hiện nay, ngoài việc hỗ trợ DN quảng bá tên tuổi, giới thiệu hàng hóa, các SGD phải hỗ trợ được DN trao đổi thông tin mua bán, ký kết hợp đồng, thanh toán và cung cấp thêm các dịch vụ giá trị gia tăng… Như vậy, các SGDĐT mới phát huy được hiệu quả của mình. Do đó, tỉnh ta cần xác định một hướng đi phù hợp hơn để thúc đẩy phát triển kinh doanh thông qua hoạt động TMĐT và tránh việc đầu tư lãng phí.
Doanh nghiệp còn thờ ơ!
Trong môi trường kinh doanh hiện nay, TMĐT đang được xem như một phương thức kinh doanh mới, hiệu quả. Tuy nhiên, dường như các DN trong tỉnh còn rất thờ ơ. Đối với các dự án xây dựng SDGĐT của tỉnh, nhiều DN tham gia chủ yếu theo phong trào, coi SDGĐT là kênh quảng bá sản phẩm, thương hiệu chứ chưa phải thực sự là nơi có thể kinh doanh hàng hóa. Đơn cử tại website www.binhdinhwood.com, nhiều DN thành viên tham gia niêm yết sản phẩm xong rồi “quên luôn”, không kiểm tra, cập nhật thông tin hàng hóa. Bên cạnh đó, ngay cả với việc xây dựng website của chính DN, nhiều DN có hàng hóa tham gia xuất khẩu nhưng website được xây dựng rất sơ sài, hình ảnh đơn điệu, thông tin ít được cập nhật, không tiện dụng, độ an toàn thấp và hầu như mới chỉ dừng lại ở mức độ…rao vặt.
Hiện nay, nhiều SGDĐT lớn hoạt động trên phạm vi toàn quốc, hay các SGD quốc tế được đầu tư kỹ càng cả về hạ tầng, nhân lực như: www.webmuaban.com, www.chodientu.vn, www.123mua.com.vn... thu hút nhiều người tiêu dùng và DN tham gia, tuy nhiên tìm mỏi mắt cũng ít thấy DN Bình Định tham gia tại các SGD này. Anh Lê Trung Văn, Giám đốc Công ty cổ phần Xúm mua (www.xummua.com) - một website mua sắm trực tuyến ở Bình Định, cho biết: “Bán hàng qua mạng là một hình thức kinh doanh phổ biến, nhưng ở tỉnh ta, DN và các cơ sở kinh doanh hầu như chưa quan tâm nhiều, nên việc tìm kiếm khách hàng rất khó khăn. Tâm lý của người bán và cả người mua cũng chưa thật sự tin tưởng vào hiệu quả hình thức kinh doanh này mang lại”.
Phải nhìn nhận khách quan rằng, TMĐT Bình Định vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. An toàn, an ninh thông tin khi ứng dụng TMĐT đang còn là mối lo của không ít DN; hạ tầng kỹ thuật chưa tốt và tập quán kinh doanh với phương thức kinh doanh truyền thống vẫn còn khá phổ biến. Đây là những rào cản khiến cho sự phát triển TMĐT ở tỉnh ta khá trầm lắng. Tuy nhiên, sự thờ ơ của DN cũng là một trong những nguyên nhân lớn, khiến cho sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước và DN trong việc thực hiện các ứng dụng TMĐT chưa được như mong muốn.
|