Chuẩn bị công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn cho mùa mưa bão năm 2012, Lữ đoàn Công binh 270 (Quân khu 5) vừa nghiên cứu và ứng dụng thành công 2 sáng kiến có giá trị thực tiễn cao: “Đèn pha lắp trên thuyền nhôm, máy đẩy” và “Moóc kéo thuyền nhôm” phục vụ cơ động trong phòng chống bão lụt.
|
Thiếu tá Nguyễn Văn Mạnh giới thiệu sáng kiến “Đèn pha lắp trên thuyền nhôm, máy đẩy”. |
Là đơn vị chủ công của Quân khu 5 trong công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, những năm qua, Lữ đoàn Công binh 270 thường sử dụng thuyền nhôm do Mỹ sản xuất và thuyền composite để di dời người dân từ vùng thấp đến nơi cao ráo, an toàn hoặc cung cấp lương thực cho bà con trong thời gian chờ nước rút. Tuy nhiên, khi ứng cứu ban đêm, bộ đội phải dùng đèn pin nên tầm quan sát rất hạn chế, dễ mất phương hướng, nguy cơ mất an toàn cao.
Khắc phục bất cập trên, Thiếu tá Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ nhiệm Kỹ thuật Lữ đoàn Công binh 270, đề xuất giải pháp: Lắp hệ thống đèn pha cơ động cho thuyền nhôm, sử dụng nguồn năng lượng từ máy đẩy lắp trên thuyền vào nguồn dự trữ của ắc quy và cung cấp cho đèn pha. Cấu tạo bộ đèn pha gồm có: đèn pha; công tắc; giá chân đèn gắn vào đầu mũi thuyền; bulon cố định để xoay hướng đèn 3600; bulon cố định để chỉnh tầm cao, thấp của đèn.
Kết quả thực nghiệm và tiến hành huấn luyện ban đêm tại Lữ đoàn cho thấy, hệ thống đèn pha chiếu sáng lắp trên thuyền nhôm gắn máy đẩy đã giúp người lái, người cứu hộ trong điều kiện ban đêm quan sát trong phạm vi 100m, nhìn rõ mặt người; tầm nhìn, góc nhìn rộng, thiết bị điều khiển dễ dàng, linh hoạt, có thể sử dụng 1 hoặc cả 2 đèn cùng một lúc (1 đèn để lái, 1 đèn quan sát xung quanh) hoặc tháo rời đèn, soi chiếu vào vùng cần tìm. Việc chế tạo khá thuận tiện do phụ tùng sẵn có trên thị trường, phụ kiện chịu đựng được môi trường ẩm ướt, không nguy hiểm cho người sử dụng, giá thành thấp (2,5 triệu đồng/bộ).
|
Sáng kiến “Moóc kéo thuyền nhôm” phục vụ cơ động trong phòng chống bão lụt. |
Bên cạnh đó, trong quá trình cơ động tìm kiếm cứu nạn, Lữ đoàn Công binh 270 thường sử dụng xe tải để vận chuyển thuyền nhôm, thuyền composite. Công tác này có một số điểm bất lợi là trung bình mỗi xe chỉ chở được 3 thuyền, nếu 1 trung đội đi làm nhiệm vụ thì phải sử dụng 2 xe (1 xe chở người và 1 xe chở phương tiện); mặt khác, do thành xe tải cao, thuyền nặng nên quá trình bốc xếp thuyền lên xuống rất vất vả, mất nhiều thời gian.
Trải qua quá trình nghiên cứu công phu, Thượng úy Tôn Thất Tường, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Vượt sông 25, Lữ đoàn Công binh 270, đã có sáng kiến gia công moóc kéo thuyền nhôm, gồm: Bộ phận khung sắt có gắn bánh xe; bộ phận tời và cáp, bộ phận định vị thuyền. Giá thành mỗi moóc kéo 45 triệu đồng, dễ gia công, chế tạo, vật liệu có sẵn trên thị trường (có thể tận dụng từ những xe máy thanh lý của đơn vị). Với chiếc moóc kéo này, một xe cùng một lúc có thể vừa chở quân vừa kéo 3 thuyền nhôm, khi nâng hạ thuyền thì dùng tời, vừa nhanh vừa giảm được sức lao động của bộ đội, bảo đảm an toàn, tăng khả năng cơ động ứng cứu bão lụt.
Từ những ưu điểm nổi bật trên, 2 sáng kiến “Đèn pha lắp trên thuyền nhôm, máy đẩy” và “Moóc kéo thuyền nhôm” đã được nghiệm thu và được Phòng cứu hộ cứu nạn Quân khu 5 đầu tư kinh phí sản xuất, lắp đặt, đưa vào sử dụng trong hoạt động huấn luyện, phòng chống lụt bão của Lữ đoàn Công binh 270.
|