Khởi đầu ở 12 xã của huyện Hoài Ân và thị xã An Nhơn, đến năm 2012, Đề án “Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền vận động phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh tỉnh Bình Định” được mở rộng thực hiện ở 159/159 xã, phường, thị trấn.
|
Tiêm phòng định kỳ cho trẻ tại Trạm xá phường Quang Trung (Quy Nhơn). Ảnh: Trang Xuân Chi
|
Các hoạt động triển khai trong khuôn khổ Đề án hướng đến mục tiêu giảm thiểu số trẻ sinh ra bị dị tật, khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, góp phần nâng cao chất lượng giống nòi. Đề án được chính thức triển khai vào đầu năm 2010 tại 12 xã, phường có tỉ lệ trẻ bị dị tật, khuyết tật nhiều ở thị xã An Nhơn và huyện Hoài Ân; mở rộng địa bàn ra 65 xã, phường của 7 huyện, thành phố. Năm 2011, Đề án tiếp tục được mở rộng thực hiện ở 11 huyện, thành phố với 114 xã.
Truyền thông đi trước
Trong 2 năm thực hiện Đề án, công tác tuyên truyền vận động được chú trọng với nhiều hình thức truyền thông phù hợp cho các nhóm đối tượng như: lãnh đạo chính quyền, ban, ngành, đoàn thể; cán bộ y tế, dân số thực hiện nhiệm vụ truyền thông, tư vấn; ở người dân đặc biệt chú trọng nhóm đối tượng phụ nữ mang thai và các sản phụ mới sinh con. Các hoạt động truyền thông phong phú đã mang lại hiệu quả rõ rệt, khi Đề án được triển khai với sự đồng thuận cao của chính quyền địa phương và sự tham gia tích cực của người dân.
Năm 2012, tỉ lệ sàng lọc trước sinh Trung ương giao cho Bình Định là 2% số bà mẹ mang thai được sàng lọc so với tổng số bà mẹ mang thai trong năm. Chỉ tiêu sàng lọc sơ sinh là 10% số trẻ sinh ra sống trong năm. |
Kết quả điều tra do Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình tỉnh tiến hành cuối năm 2010 cho thấy, sự đồng thuận chấp nhận Đề án của người dân khá cao. Cụ thể: trên 80% đối tượng được hỏi cho rằng việc siêu âm trong quá trình mang thai, việc lấy máu gót chân ở trẻ sơ sinh xét nghiệm để phát hiện, can thiệp sớm một số bệnh, tật bẩm sinh ở thai nhi, ở trẻ là việc làm cần thiết; 94,5% đối tượng được điều tra đồng ý siêu âm và 87% đồng ý xét nghiệm máu trẻ sơ sinh.
Song song với hoạt động truyền thông vận động nêu trên, nhiệm vụ xây dựng và duy trì mạng lưới sàng lọc trước sinh và sơ sinh ở tuyến cơ sở đã được triển khai thông qua các khóa tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ. Với sự phối hợp, hỗ trợ của Trung tâm sàng lọc - chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khu vực miền Trung (Đại học Y - Dược Huế), Bình Định đã tiến hành đào tạo cho các cán bộ y tế từ tỉnh đến cơ sở về siêu âm sàng lọc và nâng cao trong chẩn đoán trước sinh một số bệnh hay gặp (down, thể tam nhiễm sắc thể 18 hoặc 13, các dị tật ống thần kinh) và kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân ở trẻ sơ sinh để sàng lọc 2 bệnh thiểu năng tuyến giáp bẩm sinh và thiếu enzym G6PD.
Mở rộng và phát huy tác dụng của Đề án
Năm 2011, Đề án mở rộng địa bàn triển khai ra 114 xã trong tỉnh, với mục tiêu không chỉ nâng cao nhận thức của người dân về chương trình mà phải được thể hiện ở hành vi tham gia chương trình của họ. Cụ thể là các chỉ tiêu về tỉ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh và tỉ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc sau sinh.
“Bình Định là tỉnh đạt kết quả cao nhất trong 7 tỉnh thực hiện Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh năm 2011.”
Đánh giá của Trung tâm chẩn đoán-sàng lọc trước sinh và sơ sinh khu vực miền Trung |
Các dịch vụ xét nghiệm sàng lọc sơ sinh bắt đầu được thực hiện tại tất cả các cơ sở y tế tuyến tỉnh và huyện, sàng lọc trước sinh được thực hiện ở BVĐK tỉnh và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh. Và, trong 3 tháng cuối năm 2011, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh đã tiến hành sàng lọc cho 55 thai phụ có tuổi thai từ 11-14 tuần; qua đó đã phát hiện 1 trường hợp có nghi ngờ mắc bệnh down. Kết quả sàng lọc này được Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) kiểm chứng lại. Một số trường hợp nghi ngờ khác đều được Trung tâm tư vấn kỹ càng. Tính cả năm 2011, toàn tỉnh có 741 trẻ sơ sinh được lấy máu gót chân để xét nghiệm, phát hiện 32 trẻ có nguy cơ thiếu men G6PD (4,86%), 6 trẻ có nguy cơ suy giáp bẩm sinh (0,27%).
Dù chỉ mới có 0,3% số phụ nữ mang thai và 4,3% số trẻ sơ sinh được sàng lọc trong năm 2011, nhưng cũng đã thể hiện sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ y tế, dân số, sự ủng hộ của chính quyền các cấp và sự chấp nhận của người dân đối với chương trình. Điều này được Trung tâm chẩn đoán-sàng lọc trước sinh và sơ sinh khu vực miền Trung đánh giá: Bình Định là tỉnh đạt kết quả cao nhất trong 7 tỉnh thực hiện Đề án năm 2011!
Năm 2012, với quyết tâm nâng cao tỉ lệ người dân hiểu biết và tham gia Đề án, Bình Định mở rộng địa bàn thực hiện Đề án tại tất cả các xã, phường, thị trấn. Theo đó, nhiều hoạt động đào tạo sẽ được triển khai để đảm bảo việc cung ứng dịch vụ sàng lọc trước sinh được thực hiện tại các cơ sở y tế tuyến huyện nhằm đáp ứng nhu cầu tham gia dịch vụ sàng lọc của người dân. Công tác tư vấn sau sàng lọc cũng được chú trọng hơn, giúp đối tượng có cơ hội hiểu rõ và đưa ra các quyết định phù hợp. Để chương trình ngày càng có hiệu quả, rất cần sự lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, có trách nhiệm của các ban ngành, đoàn thể; sự tận tụy, trách nhiệm của các cán bộ trực tiếp làm dịch vụ sàng lọc, các tuyên truyền viên cho chương trình; và đặc biệt là sự nhiệt tình tham gia của người dân.
(Chi cục DS-KHHGĐ) |