Cuối cùng thì thím Bảy cũng đồng ý chấp nhận đứa con gái “trót dại” với thằng con trai lớn của bà về làm dâu. Chẳng trầu cau cưới hỏi đưa rước gì, mẹ con bồng bế bắt xe đò từ nhà ngoại xuống, cha nó chờ sẵn ở bến xe, cứ như ông xe ôm đón khách, chở về bỏ hai mẹ con xa cách nhà mấy chục bước chân, bà mẹ chồng chạy ra “lượm mót” vào nhà. Bữa cơm trưa đón dâu, đón cháu nội đích tôn thịnh soạn hơn thường ngày. Không giường chiếu, gối mền mới. Không thấy cảnh hồi dâu. Hôm sau đã thấy cô dâu mới lặng lẽ theo mẹ chồng ra đồng, giữa buổi tất tả chạy về cho con bú.
Vợ chồng, con cái không ly tán như thế là đã mừng. Công của cánh đàn bà gần nhà “dài tay” thuyết phục thím Bảy không phải là ít. Mà nói cho công bằng, chính nhờ cái chuyến đi “tiền trạm” của thím Bảy lên tận quê đứa con dâu “nhặt”, nhìn tận mặt đứa con gái định cưới cho con mình, chân tay bủn rủn khi thấy thằng nhỏ 7 tháng tuổi giống cha nó như tạc. Bà lặng lẽ quay về xuống nước với con trai, lên kế hoạch “nhặt” dâu. May cho thằng nhỏ là nó giống cha, bà nội nó vốn tính hoài nghi, còn kiểm tra ADN là khái niệm phức tạp rối rắm và xa xỉ đối với bà và người dân quê này.
Hàng xóm biết lý do thật chuyến đi xa “thăm bà con” của bà thì cười ngặt nghẽo, thắc mắc: “Chớ sao hổng kêu nó về đây tha hồ nhìn, tha hồ xét hỏi, mắc mớ gì coi mắt lén, nhìn cháu trộm?”. Bà tỉnh bơ: “Kêu nó về khác gì chấp nhận nó, lỡ linh tính tui mách bảo thằng cháu không phải máu mủ nhà này lại đuổi nó đi sao, vậy tội nghiệp nó!”. Hàng xóm lè lưỡi lắc đầu, bà mẹ chồng phong kiến cổ hủ này từ tâm dữ hông!
Con dâu thím Bảy chỉ là một trong không ít cô dâu nhặt ở quê tôi. Vài lần có mặt trong đám người rủ nhau đi xem mắt những cô con dâu nhặt về làm dâu xóm mình, dẫu trong lòng thiện chí, sẻ chia chứ không hề tò mò, vẫn thấy dư luận, thành kiến sao ang ác! Viện dẫn ở các nước tiên tiến, họ sinh con đẻ cái, sống thử vài năm mới cưới, các bà các mẹ quê tôi khăng khăng là chuyện lạ đời, không có thật.
Dâu nhặt, có cô về chung sống hợp với mẹ chồng, vợ chồng ấm êm thuận hòa hơn cả những cô được cưới hỏi đưa rước, và cảm giác buồn tủi vì phận dâu nhặt trước đó cũng theo tháng ngày dài làm dâu nhà người tan biến đâu mất. Cũng có cô xung khắc với nhà chồng, vợ chồng không hạnh phúc. Nhưng giống nhau cả - cảnh ngày “được” nhặt về làm dâu: không áo dài khăn đóng là lượt, không nhẫn vàng bông tai, không họ trai nhà gái đưa rước… Chỉ dáng điệu thiếu tự tin với cái bụng lum lum hay con thơ trên tay, ngượng nghịu, bẽ bàng. Và ánh nhìn của hàng xóm mới đối với một người con gái ở thôn khác, xã khác, huyện khác, tỉnh khác, vùng miền khác về làm dâu chốn này đầy những tò mò xen lẫn thương cảm. Mà thói thường, không ít bà mẹ chồng hay nạnh hẹ, bắt bẻ con dâu nhặt hơn là con dâu… cưới, cứ như cái lỗi tày đình “lúa ngắn ngày” là do một mình con gái nhà người ta gây ra không bằng!
Các bà mẹ quê có con gái tuổi cập kê, cứ ca cẩm, đồ đi vẽ lại cái cảnh tượng buồn buồn, tội tội của những cô con dâu nhặt để răn con gái mình. Trong hàng trăm hàng vạn chuyện lớn nhỏ có tên và không tên ở quê tôi, hình ảnh “nhặt” dâu và vị thế những nàng dâu nhặt luôn là một ám ảnh…
|