Hội chứng tăng nhiễm do ấu trùng giun lươn ở bệnh nhân tiểu đường
18:26', 30/7/ 2012 (GMT+7)

Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn vừa tiếp nhận điều trị một bệnh nhân mắc Hội chứng tăng nhiễm do ấu trùng giun lươn trên cơ địa bệnh tiểu đường type 2 - chị Phan Thị L., 44 tuổi, ngụ tại tỉnh Khánh Hòa. Thạc sĩ - bác sĩ Huỳnh Hồng Quang, Trưởng khoa Nghiên cứu lâm sàng và điều trị, cho biết đây là trường hợp mắc Hội chứng tăng nhiễm do ấu trùng giun lươn Strongyloides stercoralis trên bệnh nhân tiểu đường đầu tiên Viện gặp.

Vào thời điểm nhập viện, bệnh nhân sốt không rõ nguyên nhân, đại tiện phân lỏng thường xuyên, có cảm giác đau vùng thượng vị, hay buồn nôn, chán ăn, sụt cân, trên da có nhiều vết gãi sẩn đỏ dọc theo hai cánh tay xuống đến bàn tay, vùng mạng sườn có nhiều vết ban trườn và ấu trùng di chuyển kiểu rắn bò. Khai thác bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh tiểu đường type 2 cách đây 3 năm.

“Bệnh do ấu trùng giun lươn gây ra nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng. Bệnh có thể phòng được, nhưng hiện đang bị lãng quên” - Thạc sĩ HUỲNH HỒNG QUANG

Kết quả nội soi tiêu hóa và xét nghiệm giải phẫu bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, chẩn đoán bệnh nhân mắc Hội chứng tăng nhiễm ấu trùng giun lươn trên bệnh tiểu đường. Chị L. được điều trị bằng phác đồ Ivermectine plus Albendazole 5 ngày theo liệu trình liều chuẩn, cùng với thuốc bổ gan, chống co thắt, men tiêu hóa… Sau 10 ngày, bệnh ổn định, các triệu chứng tiêu lỏng, đau bụng quặn, sôi ruột, buồn nôn, ợ hơi, ợ chua đã được cải thiện đáng kể. Kết quả tái khám bệnh nhân ổn định, tăng cân, không còn đi phân lỏng; nội soi hình ảnh niêm mạc ở dạ dày, thực quản và tá tràng phục hồi đáng kể.

Theo thạc sĩ Huỳnh Hồng Quang, bệnh ấu trùng giun lươn chủ yếu lưu hành tại các quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tại Việt Nam nói chung và khu vực ven biển miền Trung nói riêng, khí hậu ấm và ẩm, đôi khi nóng ở hầu hết các tỉnh từ Quảng Bình trở vào đến Bình Thuận, là điều kiện thuận lợi cho bệnh ký sinh trùng giun sán phát triển, trong đó có giun lươn.

Ấu trùng giun lươn xuyên qua da người, di chuyển đến phổi thông qua dòng máu, đến phế nang, phế quản và hầu, ở đó chúng được nuốt xuống dạ dày và ruột non. Trong ruột non, ấu trùng phát triển thành con cái trưởng thành, bằng cách sinh sản đơn tính, giun cái đẻ trứng ra ấu trùng và gây nên chu kỳ tự nhiễm.

Chẩn đoán sớm các bệnh nhân nhiễm ấu trùng giun lươn trên cơ địa suy giảm miễn dịch vừa cứu lấy tính mạng bệnh nhân vừa tránh các biến chứng do hội chứng tăng nhiễm. Tuy nhiên, việc chẩn đoán bệnh do ấu trùng này khó khăn vì xét nghiệm phân vốn dĩ được xem là chuẩn vàng lại thường cho kết quả âm tính đến 50-70% số trường hợp. Vì thế, các nhà lâm sàng được khuyến cáo nên đặt bệnh lý ấu trùng giun lươn trong nhóm bệnh ưu tiên để chẩn đoán phân biệt bất kỳ bệnh nhân nào suy giảm miễn dịch và có triệu chứng tiêu hóa để tránh các biến chứng nghiêm trọng do quá trình tăng nhiễm gây nên.

  • THANH BÌNH
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trên 3,9% số học sinh 8-10 tuổi mắc bệnh bướu cổ  (29/07/2012)
8,7 triệu thuê bao di động ở Hàn Quốc bị mất dữ liệu  (29/07/2012)
Tốt gỗ hơn tốt nước sơn!  (29/07/2012)
Gây quỹ từ phế liệu  (29/07/2012)
Dâu nhặt  (28/07/2012)
Số người tham gia đông dần  (27/07/2012)
WHO công bố biện pháp phòng chống bệnh viêm gan  (26/07/2012)
Hoàn thành phần mềm đóng gói “Văn phòng điện tử”   (25/07/2012)
Tăng cường công tác đảm bảo an ninh thông tin mạng  (25/07/2012)
Ẩn họa từ những viên thuốc tễ đen  (26/07/2012)
Bình Định khống chế tốc độ lây nhiễm HIV/AIDS ở mức 0,054%  (24/07/2012)
Phát hiện mạch nước ngầm quý giá 10.000 năm tuổi  (23/07/2012)
Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết  (21/07/2012)
Phóng thành công vệ tinh tự chế đầu tiên của Việt Nam  (21/07/2012)
Lấy con vắt sống trong khí quản người  (20/07/2012)