Hoạt động đo lường đang ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Luật Đo lường (chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7); đang đi vào cuộc sống sẽ giải quyết được những bất cập trong hoạt động đo lường hiện nay.
Theo Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng (TC-ĐL-CL) Bình Định, hiện nay, những vi phạm về đo lường, chất lượng phổ biến trong tỉnh là các cơ sở kinh doanh, các cơ sở khám chữa bệnh vẫn chưa thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra định kỳ các phương tiện đo; sản phẩm đóng gói sẵn không đạt yêu cầu về định lượng, thực hiện phép đo sai. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người tiêu dùng (NTD).
|
Cán bộ của Chi cục TC-ĐL-CL đang kiểm định đồng hồ xăng dầu. |
Ông Lê Hiểu- Chi cục trưởng Chi cục TC-ĐL-CL, cho biết: “Một trong những nguyên nhân của tình trạng vi phạm về đo lường trong kinh doanh hiện nay là do những văn bản luật trước đó chưa quy định đầy đủ các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường. Vì vậy, các quy định về nâng mức xử phạt trong Luật Đo lường, theo tôi là rất hợp lý và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nếu thực hiện nghiêm túc thì sẽ bảo đảm đủ sức răn đe các tổ chức, cá nhân vi phạm”.
Luật Đo lường gồm 9 chương, 58 điều quy định rõ các chính sách của Nhà nước về đo lường, hợp tác quốc tế về đo lường, quy định về đơn vị đo, sử dụng đơn vị đo, quy định yêu cầu cơ bản đối với phương tiện đo, phê duyệt mẫu kiểm định hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường. Đồng thời, Luật quy định quyền của tổ chức, cá nhân sản xuất; quyền và nghĩa vụ của NTD liên quan đến hoạt động đo lường; của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về đo lường. Trường hợp vi phạm hành chính về đo lường, có số tiền thu lợi bất chính trong suốt quá trình vi phạm lớn hơn mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, thì áp dụng hình thức phạt tiền với mức bằng từ 1 đến 5 lần số tiền thu lợi bất chính đó.
NTD liên quan đến hoạt động đo lường có các quyền như sau: được cung cấp thông tin trung thực về lượng hàng hóa, phương tiện đo; yêu cầu người bán hàng đáp ứng điều kiện quy định để kiểm tra phương tiện đo, thực hiện phép đo, lượng hàng hóa đã mua; yêu cầu tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD trợ giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đồng thời, NTD cũng có các nghĩa vụ: thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện hoạt động đo lường của tổ chức, cá nhân xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của NTD; không được lợi dụng quy định về đo lường để xâm hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
|