Gần 1 tuần qua, sự xuất hiện của những chiếc chòi canh có cắm cờ “Đội cứu hộ biển Quy Nhơn” cùng sự có mặt của các nhân viên được trang bị đồng phục cứu hộ, phao cứu sinh, loa cầm tay, ống nhòm, còi... đã tạo nên một nét mới, hiện đại trên bãi biển Quy Nhơn và mang đến cảm giác yên tâm cho người tắm biển.
|
Anh Nguyễn Văn Vương đi tuần dọc bãi biển để nhắc nhở và sẵn sàng ứng cứu người tắm biển gặp nạn. |
An toàn cho người tắm biển
Đội cứu hộ biển Quy Nhơn (thuộc Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn) chính thức hoạt động từ ngày 30.7, với 15 nhân viên, làm việc ở 5 chòi trực canh tại các bãi tắm dọc bờ biển Quy Nhơn, đoạn từ Khách sạn Bình Dương (đường An Dương Vương) đến Sở thú Quy Nhơn (đường Xuân Diệu). Thật ra, biên chế chính thức của đội là 10 người, tuy nhiên, trong những ngày diễn ra Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV, tổ chức tại Bình Định, Đội được tăng cường thêm 5 thành viên nữa để bảo vệ an toàn cho hàng ngàn người dân và du khách tắm biển.
Tại mỗi chòi trực canh luôn có một nhân viên cứu hộ ngồi quan sát, nhắc nhở người tắm biển không bơi ra xa ngoài giới hạn phao tiêu cảnh báo (cách bờ 100m). Các thành viên còn lại thường xuyên đi tuần trên bờ, kịp thời ứng cứu khi có tai nạn xảy ra. Ngoài ra, các nhân viên cứu hộ còn làm nhiệm vụ ngăn cấm, không cho thuyền, thúng của ngư dân vào khu vực tắm biển neo đậu hoặc đánh bắt thủy sản.
Sự xuất hiện của đội cứu hộ biển Quy Nhơn đã thật sự mang đến cảm giác yên tâm cho người tắm biển. Cụ Nguyễn Đán, 65 tuổi, nhà ở phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn, nói: “Trước đây, mỗi lần xuống biển tắm, cứ bơi xa bờ một tí là tôi lo sợ bất trắc xảy ra. Giờ thì an tâm rồi, vì nhân viên cứu hộ luôn dõi theo nhắc nhở, nếu có chuyện gì xảy ra thì được giúp đỡ ngay”.
Chị Đào Thị Xuân Phượng, 38 tuổi, nhân viên cứu hộ làm việc tại khu vực phía sau Khách sạn Bình Dương, vốn là nhân viên phiên dịch tại Đội thu gom rác mặt nước (thu gom rác trên các tàu cập Cảng Quy Nhơn), nhờ có sức khỏe, lại là dân biển, nên được Công ty chọn vào Đội cứu hộ. Chị Xuân Phượng cho biết: “Chúng tôi mới làm việc được 5 ngày, còn nhiều bỡ ngỡ và chưa có nhiều kinh nghiệm trong công việc. Tuy vậy, chúng tôi đã chỉ dẫn, tư vấn cho nhiều đoàn khách nước ngoài tắm biển nơi nào sâu, nơi nào cạn, nơi nào nguy hiểm trong lúc tắm. Nhiều vị khách đã tỏ vẻ ngạc nhiên và cảm ơn ríu rít. Lúc đó, tôi thấy công việc mình đang làm thật ý nghĩa”.
Để làm tốt nhiệm vụ mới mẻ này, các nhân viên cứu hộ phải thu xếp ổn thỏa công việc gia đình, bởi thời gian làm việc của Đội khá đặc thù, buổi sáng bắt đầu từ 4 giờ 30 phút đến 8 giờ 30 phút, buổi chiều từ 15 giờ đến 18 giờ 30 phút. Điều này đòi hỏi sự cố gắng lớn của các nhân viên, nhất là nhân viên nữ.
|
Anh Lương Kim Dũng, phụ trách khu vực bãi tắm phía sau Khách sạn Bình Dương, luôn hướng mắt ra biển để quan sát người tắm biển. |
Công việc nhiều ý nghĩa
Cứu hộ trên biển là một công việc rất quan trọng và cần thiết, vì vậy khâu tuyển chọn nhân viên hết sức chu đáo. Thành viên Đội cứu hộ biển Quy Nhơn đều là những người bơi lội giỏi, có thể lực tốt, tuổi dưới 40, có nghiệp vụ cứu hộ và sơ cứu nạn nhân, có tinh thần trách nhiệm và đạo đức.
Ông Nguyễn Nên Danh, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn:
Đội cứu hộ biển Quy Nhơn sẽ được duy trì liên tục. Thời gian tới, Đội sẽ biên chế chính thức 15 nhân viên, mua sắm thêm trang thiết bị, phương tiện, tổ chức tập huấn thêm nghiệp vụ cứu hộ và sơ cứu nạn nhân để họ trở thành những nhân viên cứu hộ biển chuyên nghiệp, giữ an toàn cho người tắm biển. |
Ngoài những tiêu chuẩn trên thì nhân viên cứu hộ phải yêu nghề và tận tụy với nghề. Đó là khẳng định của anh Nguyễn Văn Vương, nhân viên cứu hộ làm việc tại khu vực bãi tắm sau Khách sạn Hải Âu. Anh Vương quê ở Nhơn Hải (Quy Nhơn), đã bỏ nghề đánh bắt xa bờ và đang là công nhân thu gom rác của Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn. Nhờ bơi giỏi, lại có sức khỏe, anh được biên chế về Đội cứu hộ biển Quy Nhơn và được Công ty tập huấn các nghiệp vụ cứu hộ và sơ cứu nạn nhân. Kinh nghiệm nhìn con nước, đoán hướng gió để dự đoán sự thay đổi của thời tiết trong những năm đi biển đã giúp anh rất nhiều trong công việc trực cứu hộ.
Chị Đặng Thị Thúy Phượng, nhân viên cứu hộ cùng chòi trực canh với anh Vương nhận xét: “So với công việc trước đây ở Đội kiểm tra môi trường biển thì công việc mới trách nhiệm rất nặng nề. Khu vực biển này hay có những vụ chết đuối, nên chỉ cần lơ là một tí là có thể xảy ra tai nạn ngay. Do vậy, mỗi khi vào việc, chúng tôi cảnh giác cao độ để cảnh báo sớm cho người tắm biển”.
Là nhân viên cứu hộ tăng cường, chị Nguyễn Thị Thu Hồng, nhân viên Đội kiểm tra bãi biển, tỏ vẻ thích thú: “Nếu sau này Đội cứu hộ cần thêm người, tôi sẽ đăng ký, bởi làm công việc này thật có ý nghĩa”.
Còn anh Nguyễn Thành Danh, 40 tuổi, nhân viên cứu hộ phụ trách khu vực bãi biển phía sau Khách sạn Bình Dương, tâm sự: “Khi còn làm công việc thu gom rác, chiều nào xong việc tôi cũng tắm biển. Giờ chuyển sang công việc mới thì không được tắm biển mà phải canh cho người khác tắm biển an toàn. Dù vậy, tôi cảm thấy rất vui khi làm công việc mới này”.
|