Năm 2011, chương trình dinh dưỡng toàn quốc đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em (SDDTE) thể nhẹ cân đã giảm từ 17,5% xuống còn 16,8%. Tỉ lệ SDDTE thể thấp còi cũng đã giảm từ 29,3% xuống còn 27,5%. Tại Bình Định, theo báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình phòng chống SDDTE, tỉ lệ SDDTE toàn tỉnh hiện là 17,27%, trong đó SDDTE thể thấp còi là 26,17%, thấp hơn so với bình quân cả nước.
Tình trạng SDDTE diễn ra phổ biến ở các huyện miền núi. Nguyên nhân là do trẻ em ở một số thôn, làng không được chăm sóc đúng cách. Trẻ bị thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết trong 2 năm đầu đời. Mặt khác, bà mẹ khi mang thai không được chăm sóc đầy đủ hoặc trẻ ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn, cách chế biến thức ăn không hợp lý, hoặc do trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa…
Mục tiêu chung đến năm 2020 của kế hoạch dinh dưỡng là giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 26% vào năm 2015 và xuống còn 23% vào năm 2020; giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống 15% vào năm 2015 và giảm xuống 12,5% vào năm 2020.
Tuy nhiên, theo Ban chỉ đạo Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, một vấn đề không kém phần quan trọng trong cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em mà Bình Định đang phải đối mặt là tỉ lệ trẻ thừa cân - béo phì ngày càng tăng, đặc biệt là trẻ ở tuổi mẫu giáo.
Chị Giang Thị Minh Hải, phụ huynh lớp chồi 3 Trường Mầm non Hoa Hồng (TP Quy Nhơn), cho biết: “Tôi yên tâm với chế độ dinh dưỡng ở trường nên không lo ngại chuyện bé suy dinh dưỡng, ngược lại chỉ sợ thừa cân, béo phì vì bé đang ở kênh + 2, tức thừa cân. Trong thời gian qua, nhà trường đã phối hợp gia đình thực hiện các biện pháp phòng chống béo phì, chế độ ăn uống hợp lý và thực hiện cho cháu ăn uống vừa phải cân đối giữa các nhóm thực phẩm, vận động thể lực”.
Bà Phan Thị Thiện, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng, cho biết hiện toàn trường có 304 trẻ mẫu giáo, trong đó béo phì chiếm tỉ lệ 3,62%. Đối với trẻ thừa cân, béo phì nhà trường đưa ra các biện pháp và cùng phối hợp với phụ huynh thực hiện như tổ chức truyền thông tư vấn dinh dưỡng cho các bậc phụ huynh, hội thảo về vấn đề béo phì, luyện tập thể lực cho trẻ với các hoạt động tại lớp như tập thể dục, chơi ném bóng, võ thuật… Đặc biệt, nhà trường rất chú trọng tổ chức các hoạt động thể lực, giúp trẻ phát triển cả về thể chất và tinh thần góp phần vào việc phòng chống béo phì.
Để giải quyết tốt vấn đề dinh dưỡng, thiết nghĩ không những các cơ sở chăm sóc trẻ, mà ngay cả các bà mẹ, các ông bố cũng phải quan tâm trau dồi kiến thức và kỹ năng về phòng chống suy dinh dưỡng và béo phì để áp dụng cho con mình.
|