Sự tham gia tích cực và hiệu quả của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh thời gian qua không chỉ làm thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử của các gia đình ở nông thôn mà còn giúp nam nông dân nhập cuộc thực hiện chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ).
Đẻ ít để chăm con tốt
Anh Nguyễn Đình Châu, 35 tuổi, ở thôn Lại Đức, xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn, cho biết nhà có hai con gái, nhưng cũng quyết không cố “kiếm” con trai. Lý do ngoài làm hơn hai sào ruộng, vợ chồng anh Châu không có nghề nghiệp ổn định, “đụng” gì làm nấy nên cuộc sống khó khăn. Năm 2010, từ nguồn vốn vay 30 triệu đồng của Ngân hàng chính sách, anh Châu dùng để phát triển kinh tế và đã thoát nghèo.
|
Sự quan tâm và tham gia của nam giới trong lĩnh vực này có thể tạo ra sự khác biệt cơ bản trong cuộc sống của người phụ nữ, cho những đứa con và cả gia đình họ. |
Anh Châu tâm sự: “Tham gia vào các buổi sinh hoạt thôn, chi hội nông dân, tôi đã nhận thức rõ hơn về ý nghĩa thiết thực của việc sinh ít con. Dừng lại ở hai con, tôi có thêm điều kiện, thời gian để chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái tốt hơn”.
Vợ chồng chị Lê Thị Diễm Thúy (30 tuổi) và anh Nguyễn Văn Bồng (31 tuổi), ở cùng thôn Lại Đức, cũng chỉ có hai con gái. Hiện, ngoài mấy sào ruộng được cấp, anh chị còn quán xuyến mấy hécta vườn rừng trồng bạch đàn, nuôi heo; tranh thủ lúc nông nhàn anh Bồng còn làm thêm nghề mộc phục vụ nhu cầu của nhân dân trong vùng. Chị Thúy khoe: “Đứa lớn học ở trường tiểu học, năm nào cũng được học sinh tiên tiến. Năm học vừa rồi, cháu còn được Quỹ khuyến học của thôn thưởng cho 4 quyển vở. Con gái út năm nay lên 4 nên hai vợ chồng có thể gửi cháu cho bà trông để đi làm thêm”.
Thôn Lại Đức, xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn hiện có 318 hộ dân. Chi hội nông dân của thôn có 215 hội viên, trong đó có nhiều cặp vợ chồng sinh con một bề là gái. Trước tình trạng một số gia đình sinh con một bề có ý định sinh thêm con thứ ba, các thành viên Chi hội thường xuyên gặp gỡ, tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời chủ động đến tận gia đình phân tích điều hơn lẽ thiệt của việc thực hiện chính sách DS với lợi ích gia đình, nhất là tương lai con trẻ.
“Đối tượng trực tiếp và chủ yếu của các hoạt động trên là nam nông dân, bởi trên thực tế ở nông thôn, nam giới là người quyết định mọi việc. Việc sinh bao nhiêu con, có thực hiện biện pháp tránh thai hay không luôn có ý kiến quyết định từ phía người chồng”, ông Văn Bá Lang, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Lại Đức cho biết.
Nhờ những nỗ lực đó, nhiều gia đình sinh con một bề là gái đã loại bỏ tư tưởng phong kiến, nhiều hộ gia đình có điều kiện làm kinh tế, thoát nghèo và trở thành những thành viên nòng cốt tuyên truyền vận động DS-KHHGĐ. Đến nay, thôn Lại Đức không còn tình trạng “cố đẻ” cho có con trai; số hộ nghèo cũng giảm đáng kể, bình quân mỗi năm giảm 2%.
Từ “áp đặt” sang “chia sẻ”
Đến cuối năm 2011, Hội Nông dân tỉnh đã thành lập được 171 câu lạc bộ “Nông dân, Dân số và phát triển”, với hơn 7.000 hội viên nông dân tham gia. Tỉ lệ cặp vợ chồng trong các câu lạc bộ không sinh con thứ 3 trở lên và sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng tăng. Các thành viên trong câu lạc bộ không chỉ đi đầu trong việc chấp hành chính sách DS-KHHGĐ mà còn vận động dòng họ, bà con láng giềng thực hiện. Nhiều chi, tổ hội nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3.
Ngày mới thành lập, Câu lạc bộ “Nông dân không sinh con thứ 3” xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn, chỉ có 22 cặp vợ chồng, đến nay con số này đã là 111 cặp vợ chồng. Bà Võ Thị Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoài Đức, cho biết: “Thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng ở chi, tổ hội… các thành viên câu lạc bộ được trang bị kiến thức cơ bản việc áp dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ về giống, vốn, vật tư, kinh nghiệm làm ăn, các hội viên nông dân còn được cung cấp những thông tin về chính sách DS-KHHGĐ, tư vấn các biện pháp KHHGĐ hiện đại, từ đó tác động đến ý thức của mọi đối tượng trong gia đình”.
Bà Lê Thị Kim Mai, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết năm 2010, từ chủ trương của Trung ương Hội về mở rộng mô hình Nhóm Lồng ghép truyền thông sức khỏe sinh sản-tín dụng/tiết kiệm-khuyến nông, Hội Nông dân tỉnh đã chọn triển khai tại 2 xã: Ân Thạnh (Hoài Ân) và Hoài Tân (Hoài Nhơn). Kết quả đã có 10 nhóm lồng ghép ra đời, với 376 thành viên tham gia, trong đó có hơn 60% nam giới. Từ thành công này, mô hình tiếp tục nhân rộng ở huyện Tuy Phước và Vĩnh Thạnh.
Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp với Trung tâm DS-KHHGĐ tổ chức các buổi truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản, DS-KHHGĐ… thu hút hàng ngàn hội viên nông dân tham gia, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho các đối tượng, đặc biệt là nam giới. Điển hình các huyện, thị, thành Hội đã làm tốt công tác này là Hội Nông dân Hoài Nhơn, Hoài Ân, Tuy Phước, Quy Nhơn…
Nam giới đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện quyền bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện KHHGĐ. Thực tế, sự quan tâm và tham gia của nam giới trong lĩnh vực này có thể tạo ra sự khác biệt cơ bản trong cuộc sống của người phụ nữ, cho những đứa con và cả gia đình họ. Bà Hoa nhấn mạnh, nhiều nam nông dân từ chỗ áp đặt nếp nghĩ phải có nhiều con, đặc biệt là con trai, đến nay nhiều người đã tự nguyện dừng ở hai con và chia sẻ nhiều hơn với vợ trong chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện KHHGĐ.
|