Nhiều nhà đầu tư đang chăm chăm phá rừng, ngăn sông với lý do tìm kiếm năng lượng, trong khi nguồn năng lượng có sẵn lại không mặn mà.
Ngày 27.8, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TPHCM đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu hệ thống quản lý tổng hợp chất thải rắn, bao gồm thu hồi năng lượng”với sự hỗ trợ của TP Osaka - Nhật Bản.
|
Bãi chôn lấp rác Phước Hiệp ở huyện Củ Chi - TPHCM
|
90% đem đi chôn lấp
Tại hội thảo, TS Nguyễn Trung Việt, Trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở TN-MT, cho biết phương pháp đốt rác phát điện được Chính phủ Việt Nam hết sức ủng hộ. Riêng tại TPHCM, nguồn rác thải để xử lý phát điện khá dồi dào với khoảng 7.000 - 7.400 tấn chất thải rắn phát sinh mỗi ngày, con số này sẽ tăng thêm 6% - 8%/năm.
Ngoài ra, còn có bùn nạo vét kênh rạch từ 500 - 700 tấn/ngày (thống kê chưa đầy đủ), bùn thải tại các cơ sở sản xuất, công trình xây dựng, nhà máy xử lý nước thải…, hầu hết đều có thể xử lý để phát sinh năng lượng. Thế nhưng, hiện nay, 90% chất thải rắn của TP đang được chôn lấp, chỉ một phần nhỏ được sản xuất thành phân compost.
Theo TS Việt, tuy nói là chôn lấp an toàn nhưng rất khó quản lý, xử lý việc phát sinh mùi hôi cũng như ruồi, muỗi… gây ảnh hưởng môi trường. Với thành phần hữu cơ trong rác thải sinh hoạt 50% - 65%, việc tái chế rác thải thành phân compost từng được xem là hướng xử lý chủ đạo, gặp nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, việc này càng lúc càng khó khăn vì rác sinh hoạt ngày càng lẫn nhiều chất thải nguy hại.
Bên cạnh đó, các bãi chôn lấp chiếm diện tích khá lớn, trong khi đất đai của TP có hạn. TS Việt cũng cho biết thêm hiện nay tại các bãi chôn lấp đang tồn tại một lượng nhựa (rác có thể đốt cháy để thu năng lượng) khá lớn do một quy định đã có từ 10 năm trước: cấm lực lượng ve chai thu gom trong các bãi chôn lấp.
Trong khi đó, ngân sách TP mỗi ngày phải chi cho công tác xử lý rác tương đối lớn (hơn 100.000 USD/ngày) nên TPHCM đang tích cực tìm kiếm các giải pháp thu hồi năng lượng từ chất thải rắn.
Lò đốt tương đương thủy điện
Công ty Cổ phần Hitachi Zosen, Nhật Bản đã tiến hành khảo sát dự án phát điện từ chất thải tổng hợp của TP Malang, Indonesia - nơi có chất thải rắn khá tương đương với TPHCM. Trong 725 tấn chất thải rắn phát sinh mỗi ngày, có khoảng 500 tấn đốt được và thu được lượng điện tương đương 13 MW, trong đó 10 MW bán lại cho công ty điện lực và 3 MW để vận hành nhà máy.
Lượng điện của lò đốt rác tương đương với công suất của nhà máy thủy điện nhỏ tại Việt Nam. Phương án này giúp giảm thiểu khoảng 66.000 tấn CO2/năm. Chi phí xử lý 1 tấn rác khoảng 3.000 yen và tổng chi phí đầu tư nhà máy đốt rác là 9.770 triệu yen nhưng đại diện TP Osaka không khuyến khích TPHCM đầu tư tất cả hệ thống máy móc này mà trước mắt chỉ một số thật sự cần thiết.
Theo đại diện TP Osaka, trước mắt, Bộ Tài nguyên Nhật Bản sẽ hỗ trợ TPHCM khảo sát tính khả thi của dự án thu hồi năng lượng tổng hợp chất thải rắn. Việc khảo sát này sẽ do các đơn vị đến từ Nhật Bản đảm trách, gồm: Công ty Cổ phần Hitachi Zosen - TP Osaka, Viện Nghiên cứu EX và Trung tâm Môi trường toàn cầu của Nhật Bản.
Thời gian khảo sát từ nay đến tháng 3-2013 với các nội dung khảo sát chính: đối phó với hàm lượng nước cao của rác thải trong công đoạn tiền xử lý, giảm chi phí sản xuất tại địa phương, chi phí - thu nhập và tính khả thi khi kết hợp với chính quyền và người dân.
Nguồn tài nguyên đầy tiềm năng
Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2011 do Bộ TN-MT vừa công bố, khối lượng chất thải rắn của cả nước là 44 triệu tấn/năm. Ở góc độ của các nhà chuyên môn, đây sẽ là nguồn tài nguyên đầy tiềm năng để tái tạo năng lượng. Đáng tiếc, nguồn tài nguyên này vẫn chưa được thu gom, xử lý hợp lý, thậm chí ở một số địa phương còn bỏ mặc, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong khi đó, thay vì đầu tư các nhà máy xử lý rác để thu hồi năng lượng, nhiều nhà đầu tư lại chọn cách sản xuất năng lượng bằng việc phá rừng, ngăn sông làm thủy điện. |
. Theo NLĐ |