Đám con, cháu tìm thấy những bức thư của bà nội viết cho người chồng quá cố trong chiếc rương gỗ cũ trên đầu giường bà nằm. Nếu không có việc bà trở bệnh phải nhập viện, con cháu lục rương lấy quần áo, tìm chứng minh nhân dân, thẻ bảo hiểm y tế… của bà thì có lẽ những bức thư vẫn nằm im lìm như nỗi nhớ thương lặng lẽ đeo đẳng người vợ trẻ.
Người đầu tiên tìm thấy thư là thằng cháu nội. Một lúc lâu từ phòng bà trở ra, nó chìa quyển vở trước mặt mọi người, mắt ầng ậc nước.
Gần cả trăm bức thư được viết cả trong một cuốn vở học sinh dày. Cuốn vở gồm nhiều loại giấy khác nhau, có lẽ bà tận dụng, cắt từ những cuốn vở học thừa giấy trắng của đám cháu, rồi lấy chỉ đóng thành tập. Thư đầu được viết ngay sau khi ông mất, năm 1969; thư mới nhất chỉ trước khi bà bệnh vài tuần. Lần giở từng trang, nét chữ thẳng thớm ngày trẻ theo thời gian dần to ra, mất vẻ mềm mại, không còn thẳng hàng. Lẫn trong đó những trang thư nét chữ mờ nhòe…
“Ngày 7 tháng 5 năm 1969… Ông đi thật rồi sao, ba tụi nhỏ?! Từ hôm kia tới nay, mấy mẹ con tui như người mất hồn, ai biểu đi thì đi, ai biểu lạy thì lạy. Các con khóc cha thảm thiết, mệt phờ phạc người, tui giờ mới bình tâm nói chuyện với ông đây. Ông chết sớm bỏ lại 6 mẹ con, mình tui biết cáng đáng nuôi con nên người được không, ông sống khôn thác thiêng phù hộ con tránh được bom rơi đạn lạc nghe ông”… “Ngày… tháng… năm… Hôm nay, mấy chú bên ủy ban xã có đến nhà mình ngỏ ý bàn bạc, xin ý kiến gia đình đưa ông về nằm ở nghĩa trang liệt sĩ xã. Mấy mẹ con tui định tính như vầy, ông xem có ưng bụng không. Ông hy sinh vì cách mạng, nhà nước đã ghi nhận, mấy chục năm qua ông yên nghỉ ở đấy, cũng là đất ông bà hương hỏa nhà mình, thôi thì cứ để vậy. Tui đoán ông cũng trùng ý nghĩ mẹ con tui, hở ông?”… “Ngày… tháng… năm… Bữa trước may sao gặp ông thợ “quạ” ảnh dạo, tui lấy thẻ căn cước của ông đưa ổng “quạ” cho ông tấm hình, để còn có cái để bàn thờ, cho cháu chắt biết mặt ông nội, ông cố. Tới ngày ổng giao hình, tui đi làm cỏ trong đồng, thằng An nhất định không chịu nhận. Nó nói “ông nội đâu trẻ, đẹp trai dữ”, rồi bắt ổng chờ, chạy te ra đồng gọi tui về cho bằng được. Cái thằng, cứ ông nội là phải già sao, ông nội con chết lúc 34 tuổi chớ mấy mà không trẻ con ơi! Tui về, cầm cái hình thấy “quạ” giống ông như đúc”… “Ngày… tháng… năm 1992… Nhà đã xây xong, hôm nay vợ chồng con mình làm lễ khánh thành, tui báo để ông mừng. Tụi nó thuận vợ thuận chồng, chí thú làm ăn, biết dành dụm, nay xây được nhà rộng rãi lắm. Vườn nhà cũ để đấy chớ không bán, tui còn khỏe năng qua đó thăm nom, trồng rau, thả bò cho bớt trống trải”… “Ngày… tháng… năm… Thằng An có giấy báo đậu đại học rồi ông ơi, nó đậu cao, đậu hết 3, 4 trường mà nó thi. Nó là cháu đích tôn, anh lớn, lo học hành vậy thiệt mừng, còn làm gương cho mấy đứa em. Tui báo để ông biết mừng”…
Cứ vậy, gần cả trăm bức thư ngắn, dài hay đúng hơn là nhật ký, là những chuyện trò bà muốn nói cùng ông; mỗi một biến cố, sự kiện lớn, nhỏ trong gia đình, bà đều không quên “báo để ông biết”. Lũ con cháu hiểu, với bà, ông như chưa bao giờ đi xa.
|