|
Tại Việt Nam, bệnh glaucoma khá phổ biến ở người lớn tuổi và chiếm tỉ lệ 20% nguyên nhân gây mù. Ảnh: Bệnh viện Mắt Trung ương. |
Kết quả một nghiên cứu di truyền lớn nhất từ trước đến nay về bệnh glaucoma (cườm nước) cho thấy có 2 gene gây ra loại bệnh là nguyên nhân mù lòa hàng đầu thế giới này. Đây là bước đầu tiên trong việc tiến tới phát triển một phương pháp phát hiện sớm và chữa trị bệnh glaucoma.
Tại Việt Nam, bệnh glaucoma khá phổ biến ở người lớn tuổi và chiếm tỉ lệ 20% nguyên nhân gây mù. Bệnh này thường liên quan tới chứng tăng nhãn áp nhưng vẫn có khoảng 1/3 bệnh nhân có nhãn áp bình thường. Hiện tại, chưa có cách nào chữa trị cho nhóm bệnh nhân thứ hai.
Các nhà nghiên cứu của Trung tâm chuyên nghiên cứu về Glaucoma của trường đại học Harvard (Mỹ) đã tiến hành phân tích cấu trúc di truyền ADN của 6.633 người, một nửa trong số đó bị chứng glaucôm góc mở nguyên phát (POAG) – một tình trạng bệnh lý của thần kinh thị giác liên quan đến nhãn áp cao.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra 2 gene gây ra POAG. Gene thứ nhất mang tên CDKN2BAS nằm trên nhiễm sắc thể thứ 9 và thường gây bệnh glaucoma ở người có nhãn áp bình thường. Gene thứ hai mang tên LRP12 hay còn gọi là ZFPM2, nằm trên nhiễm sắc thể thứ 8. Hai gene này tương tác với phân tử TGF-beta chịu trách nhiệm điều chỉnh sự tăng trưởng và tồn tại của tế bào trong cơ thể.
Kiểm soát TGF-beta là có thể tìm thấy một phương pháp chữa trị bệnh glaucoma hiệu quả hơn.
|