Làm đẹp quả dừa bằng hóa chất
20:33', 4/9/ 2012 (GMT+7)

Chỉ sau 1 phút, quả dừa sau khi gọt vỏ được ngâm trong hóa chất đã trắng tinh.

Vào những ngày nắng nóng, dừa xiêm là một trong những mặt hàng nước giải khát được tiêu thụ mạnh nhất. Tuy nhiên, nhìn những quả dừa đã được lột vỏ đẹp đẽ, trắng tinh bày bán không phải ai cũng biết nó đã được tẩy trắng bằng hóa chất độc hại không rõ nguồn gốc.

“Dừa đen hay trắng?”

Một ngày nắng nóng cách đây không lâu, trên đường đi làm về, tôi ghé vào mua dừa tại một điểm bán dừa lẻ trên đường Tăng Bạt Hổ. Khi tôi bảo người bán dừa bán cho 5 quả thì chị ta hỏi: “Dừa đen hay trắng?”. Ngạc nhiên trước câu hỏi trên, tôi thắc mắc: “Thì bán dừa xiêm chứ đen trắng gì ở đây?”. Thấy tôi có vẻ “không biết gì”, chị bán dừa vừa cười vừa giải thích: “Dừa đen là dừa mới gọt vỏ, còn dừa trắng là dừa gọt vỏ rồi ngâm…”.

Để tìm hiểu công nghệ làm trắng quả dừa, một buổi sáng cách đây vài ngày, chúng tôi ghé vào một điểm bán dừa xiêm khá lớn trên đường Trần Phú. Sáng sớm nên điểm bán dừa này chưa có khách. Trong nhà, có hai người đang thi nhau bóc lớp vỏ xanh bên ngoài quả dừa rồi cho vào xô nước bên cạnh. Khoảng vài phút sau, một người đeo găng tay vớt những quả dừa đã bóc vỏ từ xô nước ra, lúc này dừa như đã “lột xác” bởi tất cả đều trắng nõn, không còn thâm đen như lúc mới gọt vỏ. Tò mò, tôi đến bên cạnh xô nước “kỳ diệu” ấy thì thấy nước có màu trắng đục như nước gạo, bốc mùi tanh nồng nặc của hóa chất, ngửi có cảm giác buồn nôn.

Hãy là “người tiêu dùng thông thái”

Một người quen đang bán dừa ở chợ Đầm Quy Nhơn tiết lộ, chỉ cần cho hai muỗng bột chất tẩy trắng vào khuấy đều trong một xô nước chừng 10 lít, sau đó bỏ dừa đã gọt vỏ vào ngâm.

Chừng hơn 1 phút sau, những trái dừa vừa ngâm trong nước trên sẽ trắng tinh và đến ba ngày sau mới chuyển màu. Thậm chí, nếu 3 ngày sau dừa chuyển màu, tiếp tục ngâm vào hóa chất nữa thì dừa sẽ lại tiếp tục trắng như ban đầu.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn những điểm bán dừa dù là sỉ hay lẻ trên địa bàn TP Quy Nhơn đều biết “công nghệ” làm trắng quả dừa; còn hóa chất làm trắng dừa thì được bán công khai tại một số điểm xung quanh Trung tâm thương mại chợ Lớn Quy Nhơn với giá chỉ khoảng 100 ngàn đồng/kg.

Mặc dù biết rất nguy hiểm nhưng vì chạy theo thị hiếu người tiêu dùng nên hiện nay hầu hết người bán dừa đều “làm đẹp” và bảo quản dừa bằng hóa chất độc hại. Một phụ nữ bán dừa lẻ trên đường Tôn Đức Thắng cho biết: “Trước kia tôi cũng từng bán dừa sạch, thế nhưng dừa gọt vỏ xong để một lúc sau là bị ố vàng, khách hàng không thích nên không bán được nhiều. Từ ngày người bỏ dừa tiết lộ cho tôi cách làm dừa trắng tinh thì dừa ở hàng của tôi lại bán đắt như tôm tươi. Nhiều lúc tôi thử trưng hai loại dừa trên quầy, phần lớn người mua đều chọn những quả dừa trắng tinh chứ không chọn những quả thâm đen mới bóc vỏ”.

Do vậy, người tiêu dùng cần tẩy chay loại dừa gọt vỏ nhìn bề ngoài rất bắt mắt nhưng độc hại. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán và sử dụng hóa chất để bảo quản thực phẩm, nhất là loại hóa chất độc hại trên.

  • Nguyễn Cường
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hỗ trợ cải thiện bữa ăn và tặng quà cho bệnh nhân  (04/09/2012)
Ngoại tình ngẫu hứng dễ có thai gấp 5 lần  (04/09/2012)
Phát hiện gene gây ra đến bệnh glaucoma  (03/09/2012)
Những sự thật bị hiểu lầm về Napleon, Einstein   (01/09/2012)
Gắn kết tình hữu nghị Việt - Lào  (31/08/2012)
Những món quà ý nghĩa  (31/08/2012)
Những bức thư không gởi  (31/08/2012)
Chú trọng tuyên truyền, vận động  (31/08/2012)
Kiểm soát chất lượng giá đỗ, rau mầm  (30/08/2012)
Xuất hiện trường hợp tử vong đầu tiên do bị ăn não   (30/08/2012)
Sáng tạo thành công máy tuốt đậu phụng  (29/08/2012)
Vụ 100% mẫu máu nhiễm dioxin: Cần phải bình tĩnh!  (29/08/2012)
Ô nhiễm môi trường, hải âu ăn thịt cá voi  (29/08/2012)
Tối 31.8, "Trăng xanh" sẽ xuất hiện ở Việt Nam  (29/08/2012)
Lãng phí nguồn năng lượng  (28/08/2012)