Phối hợp y tế công - tư, huy động sự tham gia của các cấp, ngành, địa phương… là những cách tiếp cận hiệu quả trong phòng chống bệnh lao tại Bình Định. Các hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án Phối hợp y tế công - tư và truyền thông, vận động, huy động xã hội phòng, chống bệnh lao, do Tổ chức Program for Appropriate Technology in Health (PATH), Hoa Kỳ, tài trợ.
Bình Định là 1 trong 3 tỉnh, thành được chọn triển khai dự án, tập trung vào 2 hợp phần: phối hợp y tế công - tư và truyền thông, huy động xã hội. Dự án triển khai vào tháng 11.2011, tại 6 địa phương: Quy Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn, Phù Cát và Hoài Nhơn.
Phối hợp công - tư phòng chống lao
Mục tiêu của sự phối hợp này là tăng cường phát hiện và điều trị thành công các trường hợp nhiễm lao trong cộng đồng theo hướng dẫn của chương trình chống lao quốc gia. Các hoạt động cụ thể đã được triển khai là: thiết lập hệ thống giám sát và lập kế hoạch phối hợp y tế công- tư, tiếp nhận và phản hồi bệnh nhân nghi lao được chuyển đến từ các cơ sở y, dược tư nhân.
|
Cộng tác viên Hội Chữ thập đỏ xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, thăm và vận động người nghi lao đi khám. |
Dù thời gian triển khai chưa được một năm, nhưng các cơ sở y tế tư nhân đã rất tích cực góp phần phát hiện bệnh nhân lao. Tại 6 địa bàn nói trên có 161 cơ sở hành nghề y tế tư nhân tham gia chẩn đoán, tư vấn và chuyển tuyến điều trị bệnh nhân nghi lao. Những người có triệu chứng ho khạc kéo dài trên 2 tuần, sốt về chiều hoặc đêm, mệt mỏi, sút cân... khi đến các nhà thuốc, phòng khám tư nhân để mua thuốc, khám bệnh đều được tư vấn, viết phiếu chuyển bệnh nhân đến các phòng khám lao. Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, đại diện Phòng khám 38 Lê Lợi, Quy Nhơn, cho biết: “Người dân đến khám, thấy có dấu hiệu mắc bệnh lao, chúng tôi tư vấn họ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị đúng bệnh”.
Bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Phúc Thanh, Phó giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, nhấn mạnh: “Việc phối hợp y tế công-tư trong phòng, chống bệnh lao giúp ngành Y tế chủ động khám, phát hiện sớm người mắc lao, điều trị kịp thời và giảm nguồn lây trong cộng đồng”.
Huy động cộng đồng phòng, chống lao
Gần 1 năm nay, ngoài lực lượng nhân viên y tế, ở 60 xã, phường của 6 huyện, thị xã, thành phố nói trên, còn có 300 cộng tác viên của Hội LHPN và Hội Chữ thập đỏ tham gia vào công tác tuyên truyền, vận động, huy động cộng đồng phòng, chống bệnh lao. Hoạt động truyền thông được triển khai đến xã, thôn, qua các buổi sinh hoạt nhóm hàng tháng và lồng ghép. Đến nay, các địa phương đã tổ chức 60 buổi tọa đàm và cấp phát hàng ngàn tờ rơi những điều cần biết về bệnh lao, góp phần cùng ngành Y tế phát hiện người nghi lao và người có nguy cơ mắc lao trong cộng đồng, nâng cao hiểu biết của cộng đồng về bệnh.
Theo Ban quản lý dự án, tính đến nay đã có 240 trường hợp nghi lao được tư vấn chuyển tuyến từ các cơ sở y tế tư nhân, với tỉ lệ phát hiện bệnh nhân mắc lao khá cao, chiếm 32,4%. Trong khi đó, đội ngũ cộng tác viên Hội LHPN và Hội Chữ thập đỏ đã tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu 79 người nghi lao đến cơ sở chuyên khoa lao, kết quả xét nghiệm 76 trường hợp đã phát hiện 6 trường hợp dương tính với vi khuẩn lao. |
Anh Nguyễn Văn L., ở xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn - một trong số nhiều bệnh nhân nghi lao được cộng tác viên phát hiện, tư vấn đến cơ sở chuyên khoa lao điều trị - cho biết: “Hai tháng điều trị tấn công bệnh lao, tôi vật vã có lúc nản muốn bỏ. Nhờ mấy chị tuyên truyền, rồi động viên tôi vượt qua khó khăn, đến giờ tôi đã chuyển sang giai đoạn điều trị duy trì, sức khỏe cũng ổn hơn”.
Chị Võ Thị Thuộc, Hội LHPN xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn, chia sẻ: “Hàng tháng, chúng tôi phối hợp với trạm y tế xuống cơ sở tuyên truyền. Ban đầu, nhiều người ngại thổ lộ bệnh tật vì sợ bị xa lánh. Giờ thì cộng đồng đã hiểu, sự phân biệt đối xử với bệnh nhân lao cũng giảm, nhiều người mắc bệnh tự giác đến cơ sở y tế và đã điều trị khỏi”.
Thạc sĩ Lê Quang Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Dự án Phối hợp y tế công - tư và chiến lược vận động, truyền thông, huy động xã hội trong phòng chống lao tỉnh Bình Định, cho biết: “Mô hình phối hợp y tế công-tư tạo cơ hội gặp gỡ và tăng cường hợp tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ từ các khu vực nhà nước và tư nhân cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đồng thời phát triển quan hệ đối tác hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh lao hiệu quả. Trong khi đó, công tác truyền thông và giáo dục sức khỏe chính là một trong những chiếc “chìa khóa” để kiểm soát hiệu quả bệnh lao. Sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ bệnh nhân lao, tạo điều kiện để họ hoàn thành tốt phác đồ điều trị bệnh lao, giảm nguy cơ bỏ trị và phòng tránh lao kháng thuốc”.
|