Bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang có dấu hiệu gia tăng ngay khi Bình Định vào mùa mưa. Đồng thời, số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) trong 3 tuần qua cũng tăng so với trước. Ngành y tế dự báo, từ nay đến tháng 11.2012, số ca bệnh sẽ còn tiếp tục tăng.
UBND tỉnh vừa ban hành văn bản yêu cầu các sở, ngành hữu quan và các địa phương tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát và thực hiện đầy đủ các nội dung về phòng chống dịch bệnh. Đến hết ngày 11.9, toàn tỉnh đã có 375 trường hợp mắc SXH, 2 ca tử vong; 2.170 trường hợp mắc bệnh TCM, 2 ca tử vong.
Nguy cơ chồng dịch
Ổ dịch SXH gần nhất được xử lý ở thôn An Trinh, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ. Ngày 27.8, bệnh nhân Nguyễn Thị L., 54 tuổi, được đưa vào khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ, với chẩn đoán SXH Dengue. Kết quả điều tra tại thôn An Trinh có 2 trường hợp mắc bệnh SXH cùng thời điểm, trong cùng một gia đình. Giám sát véc tơ truyền bệnh SXH Dengue tại đội 3, thôn An Trinh, thu được chỉ số muỗi 0,63 con/nhà, chỉ số bọ gậy 40; xác định ổ dịch có nguy cơ lây lan diện rộng.
|
Hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh chỉ thực sự bền vững khi ý thức và hành vi của người dân đi liền với nhau.
- Trong ảnh: Phun hóa chất vệ sinh môi trường ở xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước. |
Thạc sĩ Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: “Từ tháng 6.2012 đến nay, ngoài 16 phường, xã trọng điểm về SXH, chúng tôi đã tiến hành xử lý chủ động nhiều địa phương có các chỉ số điều tra muỗi và bọ gậy cao. Đỉnh điểm của dịch SXH từ tháng 9 đến tháng 11”.
Có 3 lý do để ngành Y tế dự báo bệnh SXH có nguy cơ bùng phát dịch tại Bình Định, ngoài yếu tố xuất hiện nhiều ổ dịch nhỏ là điều kiện thời tiết và các chỉ số muỗi và bọ gậy làm phát sinh bệnh. SXH sẽ tăng mạnh vào đầu mùa mưa do điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường. Kết quả điều tra chỉ số mật độ muỗi (DI) và chỉ số dụng cụ chứa nước có bọ gậy Aedes (BI) tại nhiều địa phương khá cao. Tại huyện Hoài Nhơn, giám sát các chỉ số côn trùng tại xã Hoài Thanh Tây cho thấy, chỉ số DI là 1,63 và chỉ số BI là 73; tương tự tại thôn Tân Thuận và Thịnh Văn (thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh) chỉ số DI từ 0,56 đến 1,16 và BI từ 26,6 đến 33,3; tại xã An Hòa, huyện An Lão chỉ số DI là 0,8 và BI là 50. Theo bác sĩ Huỳnh Vĩnh Thu, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tại Bình Định kết quả điều tra chỉ số DI là 1 và BI là 20 đồng nghĩa nguy cơ số ca bệnh tăng mạnh.
Hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh chỉ thực sự bền vững khi ý thức và hành vi của người dân đi liền với nhau. Trong SXH, điều đơn giản là “không có lăng quăng không có SXH”, nghĩa là phải diệt ổ bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước; còn với bệnh TCM thì đảm bảo rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, đồ dùng sạch sẽ
Thạc sĩ BÙI NGỌC LÂN, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. |
Trong khi đó, bệnh TCM sau một thời gian chùng xuống đã có chiều hướng gia tăng trở lại. Hai tuần qua, số ca mắc TCM bình quân 30 ca/tuần. Đặc biệt, thời điểm tựu trường năm học mới là điều kiện thuận lợi cho TCM có nguy cơ bùng phát thành dịch.
“Đến nay, bệnh TCM đã xuất hiện ở 131/159 phường, xã trên địa bàn tỉnh. Dù số ca bệnh không nhiều, nhưng xuất hiện rải rác gây khó khăn cho công tác phòng, chống. Nếu cả hai bệnh SXH và TCM cùng lúc tăng mạnh, gây ra gánh nặng cho ngành Y tế khi phải cùng lúc đối phó với hai loại bệnh dịch”, thạc sĩ Lân phân tích.
Người dân còn chủ quan
Trên thực tế, đến thời điểm này, Bình Định chưa ghi nhận sự biến đổi về tuýp vi rút gây bệnh SXH Dengue. Từ tháng 6 đến nay, ngành Y tế đã tiến hành xử lý chủ động nhiều điểm có chỉ số muỗi DI cao hơn 1; triển khai giám sát tất cả các trường hợp được chẩn đoán theo dõi SXH, lấy mẫu huyết thanh để xét nghiệm phân lập vi rút, đồng thời điều tra các chỉ số gây bệnh.
Kế hoạch ngành Y tế từ nay đến cuối năm, công tác kiểm tra, giám sát bệnh SXH và TCM sẽ được đẩy mạnh trong các trường học, cơ quan, đơn vị và tại cộng đồng. Công tác tuyên truyền cũng được chú trọng. Chiến dịch xử lý bọ gậy và phun hóa chất chủ động phòng, chống bệnh SXH đợt 2 của năm 2012 cũng sẽ được thực hiện trong tháng 9 và 10 tại 16 xã, phường trọng điểm.
Tuy nhiên, điều làm ngành Y tế lo lắng chính là sự chủ quan, lơ là với dịch bệnh của người dân. Thạc sĩ Lân trăn trở: “Chúng tôi đã tuyên truyền, đã hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc” về các biện pháp phòng chống dịch bệnh TCM và SXH đến các hộ dân và nhiều kênh tuyên truyền khác, nhưng trên thực tế từ nhận thức đến thay đổi hành vi là khoảng cách xa. Người dân đều biết về bệnh và cách phòng bệnh TCM, nhưng để thực hành rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh nhà ở hàng ngày thì rất ít người làm. Còn nguyên nhân gây bệnh SXH gần như ai cũng hiểu là do ổ chứa bọ gậy, nhưng có rất ít người chịu làm công việc đơn giản là kiểm tra và loại trừ nguy cơ gây bệnh ngay trong nhà”.
|