Hầu hết người dân trong xã đều là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa không cao, đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng suốt 3 năm qua, xã An Nghĩa vẫn duy trì tốt quy mô gia đình 1-2 con và trở thành điểm sáng xã không có người sinh con thứ 3 của huyện An Lão.
Xã An Nghĩa có 5 thôn, 159 hộ dân, với 639 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào Bana và H’re. Từ năm 2009 đến nay, toàn xã không có người nào sinh con thứ 3.
|
Những buổi sinh hoạt định kỳ của Hội LHPN xã An Nghĩa thường lồng ghép tuyên truyền về DS-KHHGD. |
Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền
Được dự buổi sinh hoạt thường kỳ của phụ nữ xã An Nghĩa, chúng tôi bắt đầu vỡ vạc ra ít nhiều mối băn khoăn “vì sao bà con nơi đây có thể duy trì tốt việc thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trong mấy năm qua”. Không đơn thuần với những nội dung sinh hoạt khô cứng như hướng dẫn, tuyên truyền văn bản, thông tin mới, cũng không dừng lại ở những báo cáo chung chung; buổi sinh hoạt là dịp để chị em trong thôn gặp gỡ, chia sẻ những kinh nghiệm trong phát triển kinh tế gia đình, xây dựng đời sống văn hóa mới, chăm sóc con cái, sức khỏe sinh sản…
Chị Đinh Thị Ngọc, cán bộ Hội LHPN xã An Nghĩa, cho biết: “Các cấp hội phụ nữ thường xuyên phối hợp với cán bộ làm công tác DS tổ chức tuyên truyền lồng ghép các nội dung về DS-KHHGĐ vào buổi sinh hoạt phụ nữ. Khi đã hiểu và nhận thức được vấn đề thì chính chị em lại làm rất tốt việc tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình cùng thực hiện”.
Ngoài Hội LHPN xã, công tác phối hợp tuyên truyền về DS-KHHGĐ cũng được lồng ghép trong các hoạt động của các hội, đoàn thể khác trong xã. Ủy ban MTTQ với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đưa các quy định về chính sách DS vào hương ước, quy ước của các thôn; Hội LHPN, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân tổ chức vận động hội viên gương mẫu thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, không tảo hôn…
Chị Ngọc cho biết thêm: “Hồi mới vận động không phải chị em nào cũng xác định sẽ chỉ sinh 2 con, đặc biệt là các trường hợp sinh con một bề. Chúng tôi xác định phải kiên trì, mưa dầm thấm lâu, chuyển biến được chút nào là duy trì, giữ gìn chút ấy. Ở đây, chuyện cán bộ các hội, đoàn thể cùng cán bộ làm công tác DS xã đi đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà để vận động người dân thực hiện sinh đẻ có kế hoạch là bình thường. Những chuyện mình gợi ra rất đơn giản, gần gũi và dễ kiểm chứng. Ví dụ, nếu sinh nhiều con, vợ, chồng sẽ phải làm lụng suốt ngày để lo bữa ăn cho gia đình, sẽ rất vất vả và không có thời gian để chăm sóc gia đình, chăm sóc con cái”. An Nghĩa còn có đội ngũ cộng tác viên DS nhiệt tình, thường xuyên phối hợp với các cấp hội, đoàn thể ở thôn trực tiếp đến từng nhà nói chuyện, tuyên truyền đến những người lớn tuổi, nam giới, giúp người dân loại bỏ những tư tưởng lạc hậu về việc sinh nhiều con. Chị Đinh Thị Mẹo, ở thôn 1, xã An Nghĩa, cho biết: “Vợ chồng mình sinh được 2 con trai, cũng tính chuyện sinh thêm con gái cho nhà cửa vui vẻ. Nhưng, mấy lần cán bộ DS, cán bộ phụ nữ đến tuyên truyền, vận động, vợ chồng mình đã hiểu và quyết định dừng lại ở hai con để nuôi dạy con cho tốt và có thời gian làm kinh tế gia đình. Như thế mới là vui nhà vui cửa”.
|
Dù sinh con một bề, nhiều người ở xã An Nghĩa vẫn không sinh thêm con để có điều kiện nuôi dạy cho tốt và phát triển kinh tế gia đình. |
Nỗ lực từ nhiều phía
“Hiện nay, An Nghĩa là xã duy nhất của huyện An Lão không có người sinh con thứ 3 trở lên trong 3 năm liền. Thành công của An Nghĩa bắt nguồn từ sự đồng lòng của lãnh đạo xã, sự vào cuộc tích cực của các hội, đoàn thể cùng người dân. Ở địa bàn miền núi, người dân còn nhiều hạn chế về nhận thức thì làm được như An Nghĩa không phải là dễ”.
Bà TỪ THỊ HÀ, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện An Lão |
Xã An Nghĩa làm tốt công tác vận động KHHGĐ phải kể đến vai trò và sự vào cuộc tích cực của Đảng ủy và UBND xã. Đảng ủy, UBND xã xác định công tác DS-KHHGĐ góp phần rất lớn vào việc xóa đói giảm nghèo và đưa chỉ tiêu vào nghị quyết, chương trình hoạt động hàng năm của xã. Ban DS-KHHGĐ xã tham mưu, đề xuất các giải pháp để thực hiện công tác này hiệu quả. Lực lượng đầu tiên làm gương cho người dân trong thực hiện chính sách DS-KHHGĐ là đảng viên và cán bộ xã.
Đến nay, người dân xã An Nghĩa đã không còn tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” và tâm lý “đông con, nhiều của”, “trời sinh voi, sinh cỏ”. Theo chị Nguyễn Thị Hồng Trân, cán bộ DS-KHHGĐ xã An Nghĩa, toàn xã hiện có 2 thôn duy trì trên 5 năm liên tục không có người sinh con thứ 3, cụ thể: thôn 1 đã 7 năm liên tục, thôn 4 là 5 năm liên tục. Đến nay, 85% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ của xã đã áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.
Ông Đinh Văn Liên, Chủ tịch UBND xã An Nghĩa, nhấn mạnh: “Nhờ thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ, chất lượng cuộc sống của người dân trong xã đã có những bước chuyển biến tích cực, mừng nhất là số hộ khá trong xã đã nhiều hơn, 100% trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Chúng tôi đang cố gắng duy trì để góp phần hoàn thành các mục tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
|