Vợ chồng ông bà có 4 cậu con trai, tuổi san sát nhau. Hàng xóm nói, ông bà có “tứ trụ” nên về già sẽ sướng cái thân, bởi có tới 4 con dâu, “ưng bụng” đứa nào thì về với đứa đó; hơn nữa các con đều lập nghiệp ở tứ phương, tha hồ đi đây đi đó. Nghe thế, bà chỉ cười ý nhị, bởi chuyện gia thất của các con, vợ chồng bà và các con đã thống nhất rằng, cha mẹ ở giữa, các con sẽ chỉ lấy vợ từ Phú Yên cho đến Quảng Ngãi, với các lý do: gần, về nội về ngoại đều tiện; người miền Trung xứ mình cả, thiệt bụng thiệt dạ…
Tiễn đứa con trai đầu nhập học Đại học tận Hà Nội, trong trăm ngàn lời dặn dò cho con, bà không quên: “Nhớ, đừng yêu con gái xứ người, học xong về quê mình cưới vợ nghen con!”. Ra trường, tìm được việc làm tốt, đứa con đầu quyết định lập nghiệp ở thủ đô. Mừng cho con có được công ăn việc làm tốt, chuyện “về quê làm cho gần nhà” thôi thì bà không nhắc lại; nhưng khi nó bảo sẽ lấy vợ ngoài đó thì bà không chịu nổi nữa!
Thấy bà cương quyết, khóc kể con cái không biết vâng lời, cậu con trai đầu đành nhượng bộ: “Giờ con tập trung làm ăn, chuyện vợ con tạm thời gác lại”. Đằng đẵng 4 năm trời không thấy gì, ông bà giục, thì cậu con tỉnh bơ: “Con sẵn sàng lấy vợ, nhưng vẫn là cô ấy. Tụi con vẫn yêu nhau, chờ ba má chấp thuận”. Đến nước này thì ông lên tiếng: “Bà bỏ cái quan niệm vô lý, cái sở thích kỳ cục đó đi, người vùng này miền nọ thì đã sao, xa cách chút đã là gì, biết bao nhà con cái dựng vợ gả chồng tận bên Âu, bên Mỹ xa biền biệt vẫn hạnh phúc vui vầy đó thôi. Chúng nó biết ăn ở, có tình thương, biết hướng về nguồn cội là được. Nhà bên ấy cũng vì hạnh phúc của con mới gả con về xứ nghèo, nắng mưa khắc nghiệt này chứ!”.
Thằng anh đầu cưới vợ như ý, 3 đứa còn lại cũng “nối gót” anh. Liên tiếp trong 3 năm, nhà ông bà đón thêm 3 cô dâu, một cô dân Sài Gòn gốc, một nữa quê miền Tây sông nước và một giọng trọ trẹ xứ Nghệ. Tất cả đều được ông bà đón nhận với vòng tay trìu mến. Cái cam kết ngày nào của mấy mẹ con thành lỗi thời, mất tác dụng trước sức mạnh của tình yêu, nguyện vọng hôn nhân chính đáng của các con.
Vậy là, bây giờ hàng xóm lại nói vui về gia đình ông bà kiểu như: gia đình “đa sắc tộc”, “dân ca 3 miền”. Lòng ông bà chan chứa niềm vui, niềm tự hào riêng, khi mỗi dịp lễ, tết, các con dâu lại mang về, thành kính đặt lên bàn thờ nhà chồng những sản vật quê hương mình. Gia đình các con về đông đủ, nhìn mâm cơm là ông bà biết hôm nay con dâu lớn, giữa, nhỏ hay út vào bếp. Trong nếp nhà ấm êm, bà miên man nghĩ tới lời ông: biết ăn ở, có tình thương, lòng hướng về nguồn cội thì chẳng xa cách nào ly gián được…
|