Anh săm soi chiếc áo mới, rồi buông lời thăm dò: “Chiếc áo phải từ 300 ngàn trở lên là cái chắc…”. Bởi đã chuẩn bị từ trước, em lãnh đạm mà rằng: “Ôi dào, bằng nửa giá anh nói đấy thôi. Của chị bạn mua về nhưng không ưng ý, để rẻ lại cho em”. Anh gục gặc, chẳng nói gì ngoài câu: “Dạo này em hơi sắm sửa quá đấy. Mình còn nhiều chuyện lo toan…”. Như mọi lần khác, im lặng vẫn là thượng sách.
Từ ngày chúng ta nên vợ chồng, em đã nhiều lần “ngộp thở” như vậy. Là phụ nữ, em có nhu cầu sắm sửa, làm đẹp; thế nhưng anh luôn tỏ vẻ khó chịu, săm soi trước mỗi món đồ em mua về. Có hôm anh cằn nhằn thẳng thừng; hôm lại lầm lỳ đến hết ngày. Từ ngày biết anh mắc “bệnh tiếc”, em đã rút kinh nghiệm bằng cách chỉ khai 50% so với giá thực tế hoặc nói là của bạn bè, người thân cho. Mà em có hoang phí gì đâu cho cam, một năm sắm cho mình vài ba chiếc áo mới, mua một vài đôi giày hoặc ít son phấn, những nhu cầu rất tối thiểu của phụ nữ.
Cũng từ lâu, em rất ngượng khi thấy họ ám chỉ anh là kẻ “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”. Nghe nói, lão nhà mày giữ hết tiền phải không. Thế mỗi khi đi chợ thì phải chờ phát tiền à? Có người thật tình, có người hỏi kiểu “mèo khóc chuột”. Ban đầu em giải thích rằng chuyện ấy chỉ là tin đồn, nhưng sau dần em mặc kệ, ai muốn nói gì thì nói, miễn mình không nói thì thôi. Bởi, sự thật cũng chẳng khác là mấy.
Em biết, anh tiết kiệm là để lo cho gia đình, con cái học hành và tương lai về sau. Song hình như, cái tính ấy ngày càng được phát huy một cách triệt để. Đến mức khi em hỏi tiền để phụ giúp thuốc thang, sửa sang cái bếp cho cha mẹ già, anh đã từ chối thẳng khi nói “không có tiền”. Với gia đình của chính mình, anh cũng vậy. Em xấu hổ với bạn bè mỗi khi anh từ chối các cuộc vui theo kiểu “hợp tác xã” hoặc luôn cố tình là người rút ví ra sau.
Có người bảo tại sao em lại chấp nhận một người chồng như thế, không bỏ quách đi. Nói thì dễ, nhưng làm sao được khi mà xét về toàn cục, anh vẫn là người chồng, người cha có trách nhiệm với gia đình; khi mà đồng lương của em chỉ đủ chi cho bản thân mình trong khi các con đang tuổi ăn học.
Vậy nên em vẫn “ngậm bồ hòn làm ngọt” dẫu có lúc “ngộp thở” đến phát điên khi bị anh tra hỏi, cật vấn tiền chợ tháng này sao lại nhiều, ít. Vì gia đình, con cái em chấp nhận tất cả. Chỉ mong rằng, anh đủ rộng rãi để em “thở” một chút. Vậy mà, hình như vẫn khó quá…
|