Đúng là ở thời buổi hội nhập quốc tế bây giờ, không thể thiếu tiếng Anh. Trẻ em Việt Nam tới tuổi đi học bây giờ cũng rất cần học tiếng Anh, để khi lớn lên, tới cấp THPT, có thể sử dụng tiếng Anh tương đối thành thạo trong giao tiếp và học hỏi. Nhưng có một nghịch lý từ chủ trương dạy và học tiếng Anh rất đúng đắn kia là, đa số các giáo viên dạy tiếng Anh ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở (THCS) đều có trình độ tiếng Anh khá… yếu.
Mỗi khi đi tập huấn ngoại ngữ có giảng viên nước ngoài, các giáo viên ấy đều cần phải có… phiên dịch để có thể tiếp thu bài giảng qua tiếng… Việt. Chưa kể, rất nhiều giáo viên tiếng Anh ở những địa phương có âm giọng địa phương thiếu chuẩn (nếu so với giọng Hà Nội hay TP HCM) thì lại càng khó khăn khi phát âm tiếng Anh cho chuẩn. Một khi thầy cô phát âm ngoại ngữ không chuẩn, thì khó đòi hỏi học sinh phát âm đúng được.
Từ đó, mới xuất hiện tình trạng "tiếng Anh… Phú Yên" hay "tiếng Anh… Quảng Ngãi". Muốn đào tạo lại cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh ở các cấp học, cần rất nhiều thời gian và tiền bạc. Trong chuyện này, phải thực sự kiên trì mới có kết quả, chứ không thể cứ muốn là được, cứ làm là xong. Vả lại, cũng không thể chọn giải pháp đơn giản, nhanh gọn nhưng vừa thiếu tình vừa trật lý là loại bỏ những giáo viên tiếng Anh yếu kém. Vì phải hiểu vì sao trình độ của họ yếu kém như vậy? Muốn truy ra, thì phải đến các trường, các khoa ngoại ngữ đã đào tạo họ, truy sâu hơn nữa, thì sẽ tới… Bộ GD&ĐT! Muốn điều chỉnh lại một cách dạy và học ngoại ngữ không chuẩn ở tầm quốc gia như thế, không thể cứ ước định một thời gian cụ thể nào đó là xong. Bởi đó lại là một cách "chạy theo thành tích" và những con số ảo, kết quả ảo.
Cũng như thế, cái đề án đầy tham vọng muốn các giáo viên các môn học tự nhiên ở cấp THPT phải dạy toán, lý, hóa bằng… tiếng Anh cho học sinh, xem ra cũng rất kỳ lạ! Trong khi, ngay giáo viên tiếng Anh còn chưa… sõi tiếng Anh, còn cần người phiên dịch khi tập huấn tiếng Anh, lại bắt các giáo viên dạy các môn tự nhiên phải dạy bằng tiếng Anh, thì khác nào đánh đố họ?
Với lại, sau 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, thì thành công lớn nhất của nền giáo dục Việt Nam dân chủ cộng hòa từ kháng chiến chống Pháp là đã… Việt hóa được các chương trình giảng dạy trong nhà trường, từ các cấp học phổ thông lên tới bậc đại học, thay thế cho tiếng Pháp.
Hồi xưa, thời thuộc Pháp, sở dĩ các thầy cô giáo dạy được học sinh trung học trở lên bằng tiếng Pháp, vì ngay từ nhỏ họ đã bắt buộc phải học tiếng Pháp, có khi còn nhiều hơn cả tiếng mẹ đẻ trong nhà trường. Khi trở thành giáo viên, họ đã nói, nghe, đọc, viết tiếng Pháp một cách thành thạo, gần như tiếng mẹ đẻ. Vì thế mới dạy được. Còn bây giờ, có nhất thiết phải dạy các môn toán, lý, hóa, sinh… bằng tiếng Anh không?
Vì, cứ "ép" tiếng Anh như thế, thì có thể kết quả sẽ là tiếng Anh chả xong tiếng Anh, mà toán, lý, hóa cũng đi… tong luôn, do thầy lo đánh vật với tiếng Anh đã hết giờ rồi, còn đâu để dạy kiến thức các môn tự nhiên nữa? Còn học sinh thì mải lo hiểu cho được tiếng Anh của thầy cũng đã mồ hôi mẹ mồ hôi con rồi, làm sao tiếp thu được kiến thức các môn tự nhiên!
Còn có biết bao nhiêu ước muốn và dự định tốt đẹp cho nền giáo dục nước nhà, nhưng dự định hay ước muốn là một chuyện, còn muốn thực hiện nó trong nhà trường lại là chuyện khác. Đừng bao giờ giản đơn hay ảo tưởng.
. Theo Thanh Thảo /Báo Quảng Ngãi
|