Ðưa “chuyện dân số” lên sân khấu
18:57', 21/9/ 2012 (GMT+7)

Bằng lòng nhiệt huyết, yêu nghề, những tuyên truyền viên dân số đã biến những điều khó trở thành thế mạnh trong tuyên truyền về dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGÐ) hiện nay thông qua hình thức sân khấu hóa.

Từ cuối tháng 8 đến nay, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tổ chức liên hoan tuyên truyền viên dân số. Qua đó, những trải nghiệm thực tế, những bất cập, trăn trở trong công tác DS-KHHGĐ trở nên gần hơn và thật hơn.

Tiếp cận hiệu quả

Không có những báo cáo, tham luận dài dằng dặc, những con số khô khan, liên hoan tuyên truyền viên DS-KHHGĐ là cuộc gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sinh động trên sân khấu của những người làm công tác DS. Sân khấu hóa chính là cách tiếp cận khá hiệu quả trong truyền thông DS-KHHGĐ. Những nội dung về công tác DS-KHHGĐ được lồng ghép trong các tiết mục văn nghệ luôn nhận được sự đón nhận của  nhiều người.

 
Sân khấu hóa là cách tiếp cận khá hiệu quả trong truyền thông DS-KHHGĐ, được người dân đón nhận.  Ảnh: NGUYỄN MUỘI

Trong Liên hoan Tuyên truyền viên dân số của huyện Hoài Ân, tiểu phẩm “Táo quân báo cáo” của đội xã Ân Mỹ, phản ảnh bức tranh toàn cảnh về thực trạng của những bất cập trong công tác DS-KHHGĐ hiện nay. Câu chuyện bắt đầu với sự chậm trễ trong buổi chầu Ngọc Hoàng của hai táo DS-KHHGĐ và nguyên nhân là do hệ lụy của tình trạng tăng dân số chốn hạ giới, lượng người di cư tự do từ nông thôn lên thành thị tăng… Những vấn đề nóng như: tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở vùng cao, lựa chọn giới tính khi sinh… cũng được “táo DS” đưa lên sân khấu. Còn xã Bok Tới đem đến liên hoan câu chuyện về người chồng suốt ngày say xỉn, bỏ người vợ bụng mang dạ chửa phải cáng đáng chuyện gia đình, ruộng đồng nương rẫy qua tiểu phẩm “Chuyện nhà tôi”.

Không đem đến cái nhìn toàn cảnh về thực trạng dân số như Hoài Ân, các đội tuyên truyền viên đến từ các phường, xã của TP Quy Nhơn đi sâu vào từng vấn đề cụ thể của công tác DS-KHHGĐ. Tiểu phẩm “Lỗi tại ai?” của phường Nhơn Phú là góc nhìn của những ông bố, bà mẹ “ngại” nói chuyện giới tính với con, khiến trẻ thiếu kiến thức về giới tính, dễ phạm sai lầm và bị tổn thương. Đội tuyên truyền viên DS đến từ phường Quang Trung “vẽ” ra bức tranh một gia đình vùng biển đông con, nghèo khó, nhưng người chồng vẫn ép vợ sinh cho bằng được con trai để nối dõi tông đường và nối nghề trong tiểu phẩm “Thà muộn còn hơn”.

Tất cả các tiểu phẩm tham gia liên hoan tuyên truyền viên DS đều rất đơn giản, nhẹ nhàng, kể những câu chuyện rất thực, rất gần gũi mà chúng ta vẫn gặp trong cuộc sống hàng ngày. Các đội đã mang đến liên hoan những nội dung về công tác DS-KHHGĐ bằng nhiều hình thức, thể loại phong phú với các chủ đề như: chất lượng DS, cơ cấu DS, giới thiệu các biện pháp tránh thai hiện đại, tình dục an toàn, sức khỏe sinh sản vị thành niên...

Rèn kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ cơ sở

Có thể thấy rằng, liên hoan thật sự là một sân chơi để cán bộ chuyên trách, cộng tác viên DS giới thiệu, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay về tổ chức, triển khai các mô hình, hoạt động truyền thông DS-KHHGĐ tại địa phương. Từ đó, giúp đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở được trang bị thêm kiến thức, rèn luyện kỹ năng tuyên truyền vận động người dân tham gia thực hiện công tác DS-KHHGĐ đạt hiệu quả hơn.

Mỗi một tiểu phẩm là một câu chuyện, một tình huống thực tế mà những cán bộ, tuyên truyền viên DS đã gặp phải trong quá trình công tác. “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” và cách xử lý tình huống “thấu tình đạt lý” của những tuyên truyền viên DS. Nhiều tiểu phẩm còn xây dựng hình ảnh người làm công tác DS-KHHGĐ như một người chuyên “gỡ rối” và tư vấn về giữ gìn hạnh phúc gia đình. Trong tiểu phẩm “Tương kế tựu kế” (phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn), người vợ có chồng là cán bộ nhà nước nhưng vì bị bạn bè “đá đểu” không sinh được con trai nên đã tìm đến cộng tác viên DS nhờ giúp đỡ. Kết quả, nhờ được tư vấn và giúp đỡ kịp thời, người vợ vừa giữ được hạnh phúc gia đình, đồng thời không làm chồng mất uy tín với bà con.

Sự nhiệt tình, năng nổ của các tuyên truyền viên thời gian qua đã giúp cho công tác DS-KHHGĐ ở tỉnh ta có nhiều chuyển biến tích cực. Ông Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ làm công tác truyền thông Trung tâm DS-KHHGĐ TP Quy Nhơn, chia sẻ: “Gần đây, hình thức sân khấu hóa tuyên truyền DS-KHHGĐ được địa phương chú trọng trong các buổi tuyên truyền. Tuy nhiên, cái khó nhất là cơ sở gặp khó khăn về nguồn lực và kinh phí để duy trì hoạt động này thường xuyên và hiệu quả hơn”.

  • NGUYỄN MUỘI
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Năng lượng gió gấp 100 lần nhu cầu của loài người  (21/09/2012)
Tra cứu tiền điện sử dụng trực tuyến  (19/09/2012)
Nhìn từ website của các doanh nghiệp  (19/09/2012)
Nâng cao chất lượng, hiệu quả  (19/09/2012)
Bệnh tiền đái tháo đường chưa được quan tâm sàng lọc  (19/09/2012)
Chuẩn bị cho Đồng bằng sông Hồng và miền Trung thích ứng biến đổi khí hậu  (19/09/2012)
Khởi công xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam  (19/09/2012)
Cát Tiên có cơ hội là di sản thiên nhiên thế giới  (19/09/2012)
Bkav cung cấp miễn phí dịch vụ kiểm tra virus  (18/09/2012)
Cảnh báo máy tính sản xuất tại Trung Quốc chứa mã độc nguy hiểm  (17/09/2012)
"Ép" tiếng Anh trong nhà trường  (17/09/2012)
Học bơi trên giấy  (17/09/2012)
Máy lọc nước loại trừ amip “ăn não người”  (17/09/2012)
Phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trong mùa mưa lũ  (16/09/2012)
10 dấu hiệu tuổi già ở đàn ông  (16/09/2012)