|
Voi nhà ở Đắk Lắk chủ yếu sử dụng vào việc phục vụ khách du lịch và tham gia các lễ hội văn hóa truyền thống của địa phương. (Nguồn: moitruongdulich) |
Hiện tỉnh Đắk Lắk đang triển khai thực hiện nhiều biện pháp bảo tồn đàn voi trên địa bàn.
Voi ở Đắk Lắk là loài voi châu Á, có tên khoa học là Elephas maximus, là loài thú lớn thứ hai trên đất liền sau voi châu Phi. Đắk Lắk là nơi có số lượng voi nhiều nhất trong cả nước; đồng thời cũng là địa phương có truyền thống săn bắt, thuần dưỡng voi hoang dã thành voi nhà từ lâu đời.
Voi nhà thường được xem là biểu tượng gắn liền với đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, tinh thần của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Tuy nhiên, do bị tác động của con người trong quá trình khai thác lâm sản cùng với việc chuyển đổi một số diện tích đất rừng sang trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp dài ngày..., môi trường sống của voi hoang dã (chỉ còn cư trú tại ba huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’Leo) ngày càng thu hẹp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, năm 1980 đàn voi hoang dã trên địa bàn có trên 550 con, nay chỉ còn từ 80-110 con. Từ năm 1980 trở lại đây đã có 15 con voi rừng chết do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc voi chết do bị săn trộm lấy ngà.
Đối với voi nhà, năm 1980, tỉnh Đắk Lắk có hơn 500 con, hiện nay chỉ còn hơn 50 con, tập trung ở các huyện Buôn Đôn, Lắk. Số voi nhà hiện do bốn công ty du lịch quản lý với gần 20 con, còn lại các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu sốtại chỗ nuôi dưỡng, quản lý, sử dụng 35 con. Voi nhà ở Đắk Lắk chủ yếu sử dụng vào việc phục vụ khách du lịch và tham gia các lễ hội văn hóa truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, do khai thác quá mức, ăn uống có mức độ, thiếu dinh dưỡng, trong khi đó việc chăm sóc sức khỏe cho voi còn nhiều hạn chế nên voi gầy, ốm, nhiều con bị kiệt sức. Trong 10 năm trở lại đây, voi nhà không sinh sản, nguy cơ tuyệt chủng rất cao.
Khắc phục những bất cập trên, hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thực hiện một số chính sách về hỗ trợ kinh phí cho các chủ voi trong thời gian voi giao phối, mang thai, sinh sản, voi con sinh ra thuộc quyền sở hữu của chủ voi cái.
Hàng năm vào tháng Tư và tháng 10, Trung tâm bảo tồn voi của tỉnh tổ chức cho các chủ voi đưa những voi nhà trong độ tuổi sinh sản vào chăm sóc trong các khu chăn thả tập trung (toàn tỉnh hiện có 23 voi cái và 15 voi đực đang trong độtuổi sinh sản từ 15-45 tuổi). Khi được chăm sóc trong khu chăn thả tập trung,đảm bảo nguồn thức ăn, nước uống, được các cơ quan chuyên môn chăm sóc sức khỏe, một số voi cái có cơ hội gặp gỡ voi đực để giao phối, mang thai, sau thời gian từ 22-24 tháng, voi sẽ sinh con. Trong thời gian này, tỉnh hỗ trợ kinh phí cho chủ voi.
Tỉnh cũng quy hoạch các khu chăn thả tập trung cho voi nhà tại hai huyện BuônĐôn và Lắk. Đây là những địa phương hiện còn những khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ có đa dạng các loài cây làm thức ăn cho voi; đồng thời, các cơ quan chức năng thăm khám chữa bệnh định kỳ cho voi nhà (Nhà nước hỗ trợ 100% tiền công khám và tiền thuốc chữa bệnh cho voi)....
Tỉnh Đắk Lắk cũng tiến hành quy hoạch các khu bảo tồn sinh cảnh, tạo nguồn thức ăn, nước uống cho voi hoang dã tại các vùng Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’Leo. Tại các địa bàn, voi hoang dã thường xuất hiện, tỉnh thành lập các tổ bảo vệ có trang bị loa, kẻng, đèn pin, ống đốt đất đèn... để xua đuổi voi về lại rừng và mức hỗ trợ 200.000 đồng/tổ/năm...
Khi hoa màu của người dân bị voi phá hoại, tỉnh hỗ trợ 100% giá trị tài sản bị thiệt hại. Người bị voi tấn công được Nhà nước hỗ trợ 100% tiền khám, thuốcđiều trị vết thương và được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động đối với phần (tỷ lệ) sức khỏe bị tổn thương. Trường hợp bị tử vong, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất như đối với người lao động trong các cơ quan Nhà nước bị tai nạn laođộng tử vong...
Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk cũng đã xây dựng các chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, quy hoạch đất đai các khu chăn thả tự nhiên, cơ sở hạ tầng bệnh viện, xử lý nghiêm các đối tượng gây hại, săn bắn trái phép voi... nhằm chăm sóc, bảo tồn tốt đàn voi trên địa bàn tỉnh.
. Theo TTXVN |