“Ðàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, phương ngôn về sự đóng góp, vai trò của vợ và chồng trong đời sống gia đình của ông bà ta đến nay vẫn còn nguyên giá trị, dù giờ đây không hẳn nhà nào, người chồng cũng là “trụ cột” kinh tế của gia đình. Nhưng ngay cả khi vợ là người tạo động lực kinh tế gia đình thì chồng vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc “xây nhà” - đó là thiên chức.
Trăm kiểu chi tiêu
Khi chị Tâm (phường Thị Nại, TP Quy Nhơn) kể với bạn bè rằng, từ ngày lấy chồng đến nay, hầu như một mình chị phải cáng đáng mọi khoản chi tiêu trong gia đình, mọi người đều tỏ ra bất bình. Anh Trung, chồng chị, rất thoải mái chi tiêu cá nhân và chẳng bao giờ đưa tiền về cho vợ vì nghĩ vợ chồng ở nhà mẹ mình nên việc đóng góp chẳng đáng là bao. Cuộc sống trăm thứ phải lo, và càng túng bấn hơn khi có con nhỏ. Nhưng chị Tâm không thể làm theo khi nghe chồng bảo: “Thu nhập của tôi chỉ đủ tiêu, cần gì thì hỏi thẳng mẹ ấy”.
|
Vợ chồng cần thống nhất với nhau về các khoản chi tiêu trong gia đình. |
Ngược lại, anh Tuấn (phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn) có thu nhập rất khá và luôn đưa hết cho vợ giữ để chi tiêu cho gia đình. Mỗi lần thấy vợ đi mua sắm về, tâm trạng vui vẻ phấn chấn, anh nghĩ đó là cách để vợ giải tỏa căng thẳng. Ấy thế là thú vui của chị thành cái họa cho gia đình. Càng về sau, chị càng sa đà, dù khi “giải tỏa căng thẳng” chị Hòa không quên mọi người trong nhà. Chị “tha” về nhà tất cả những món đồ chị cho rằng cần thiết mà ít khi suy tính đến hiệu suất, khả năng tài chính cũng như không gian sắp đặt trong nhà. Cứ nghĩ làm vui lòng vợ, anh Tuấn cũng không có ý kiến gì, cho đến một hôm anh sửng sốt khi biết vợ mình tiêu gần hết khoản tiền tiết kiệm trong tài khoản chung của gia đình.
Khác với vợ anh Tuấn, chị Hà - nhân viên một công ty bảo hiểm ngân hàng - thì luôn bị ám ảnh với ý nghĩ sợ chồng cho rằng mình không có khả năng vun vén gia đình. Chị luôn phải nói dối chồng về giá các món đồ dùng trong nhà. Ví dụ như chị mua váy đầm khoảng 500 ngàn đồng thì bảo là hàng hạ giá có 200 ngàn đồng, đi chợ cho gia đình khoảng 200 ngàn đồng/ngày thì chị nói chỉ vài chục ngàn… Mãi thành quen, anh Tuấn hầu như không biết gì về thực tế các khoản chi tiêu của vợ. Cho đến một hôm chị ốm, phải nằm bệnh viện liền mấy tuần, anh Tuấn phải đi siêu thị lo mua sắm, mới vỡ lẽ...
“Trăm năm tính cuộc vuông tròn…”
Khi tư vấn, các chuyên gia tâm lý, hay nói vui - Ngày xưa khi viết “Trăm năm tính cuộc vuông tròn/ Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông...” rất có thể từ khi ấy cụ Nguyễn Du đã khuyên người ta đừng có quên tìm hiểu thói quen chi tiêu, trách nhiệm tài chính… Mà có khi đúng thế thật, người ta rất hay quên đoạn này, hoặc nhớ nhưng cho đó là chuyện tế nhị, nhạy cảm nên tránh né mà không biết vô tình đã dựng nên “vách đá tài chính”. Thực tế, mâu thuẫn về trách nhiệm tài chính trong gia đình thường bắt đầu từ việc thiếu hoặc không hiểu nhau về chuyện tiền bạc, thói quen chi tiêu trước khi kết hôn. Ngoài ra, cùng bản tính “vô lo vô nghĩ” của chồng hoặc vợ, một phần lỗi cũng thuộc về người còn lại.
Ví như chuyện nhà chị Tâm, là con dâu, chị không thể ngửa tay xin tiền mẹ chồng, dù gia đình nhà chồng khá giả. Ngay từ đầu, chị Tâm đã thả lỏng chồng, khiến chồng mình lơ là trách nhiệm gia đình. Điều đó đã ảnh hưởng và tác động tiêu cực rất lớn đến hạnh phúc gia đình, tạo kẽ hở cho anh Trung có thói ỷ lại và vô trách nhiệm đối với vợ con.
Còn trường hợp chồng chị Xuân (phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn) cũng có điểm tương tự. Chị kể, chồng chị kiếm tiền rất giỏi nhưng chẳng bao giờ đưa tiền cho vợ. Mỗi lần hỏi tiền chồng để chi tiêu cho gia đình, chị phải khéo léo tìm mọi cách, nhưng chồng chị thường “nhỏ giọt”. Quá mệt mỏi, chị đành chán nản bỏ cuộc. Từ ngày chấm dứt cảnh “xin tiền chồng”, tình cảm vợ chồng cũng không mấy đậm đà hạnh phúc, và chị đã nộp đơn xin ly hôn, bởi không thể sống chung với người chồng vô trách nhiệm.
Vì vậy, các chuyên gia tâm lý cũng khuyên rằng: Nên tập trung mọi khoản thu nhập trong gia đình về một mối. Song, để tránh trường hợp chi tiêu quá trớn thì vợ chồng phải có sự bàn bạc thống nhất với nhau về kế hoạch quản lý tiền bạc và chi tiêu, cần minh bạch trong thu, chi trong gia đình; trước khi sử dụng nên có sự bàn bạc để thống nhất và cả hai người đều cảm thấy mình được tôn trọng. Mặt khác, vợ chồng cũng không nên coi trọng việc ai là người mạnh hơn về khoản đóng góp tài chính.
|