Từ lâu nay, dòng hải lưu nóng, hay còn gọi là hiện tượng khí hậu El Nino ở Thái Bình Dương, đã được biết đến là có ảnh hưởng đến thời tiết trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Georgia của Mỹ, vừa phát hiện rằng dường như không có mối liên hệ giữa El Nino và biến đổi khí hậu.
Trong nghiên cứu, công bố trên tạp chí Khoa học (Science) số ra ngày 3.1, các nhà khí tượng học đến từ Khoa nghiên cứu Trái Đất và Khí quyển thuộc viện trên đã tiến hành đo mức tăng trưởng theo từng tháng của các hóa thạch san hô cổ được tìm thấy ở hai hòn đảo Thái Bình Dương để xác định yếu tố khiến khí hậu ấm lên.
Cùng với việc tái hiện nhiệt độ và lượng mưa trên Trái Đất trong hàng nghìn năm qua, các nhà khoa học đã so sánh hiện tượng của El Nino qua các thời kỳ.
Theo giáo sư Kim Cobb, nhà khí tượng học thuộc viện trên, mặc dù El Nino diễn ra mạnh mẽ và thường xuyên hơn trong thế kỷ 20, song các kết quả phân tích các hóa thạch san hô cho thấy một dạng El Nino mới có tên là El Nino Hướng Nam (ENSO) diễn biến phức tạp và khó lường hơn.
Như vậy, chưa thể kết luận chắc chắn rằng những biến đổi khí hậu trong thời gian gần đây có liên quan tới tình trạng biến đổi khí hậu do lượng khí thải cácbon điôxít gây nên.
El Nino là hiện tượng thay đổi đáng kể nhiệt độ trên mặt biển ở vành đai nhiệt đới của Thái Bình Dương, xảy ra mỗi 2-7 năm/lần, khi các cơn gió mậu dịch (gió mạnh thổi liên tục từ Đông Nam hoặc Đông Bắc về hướng xích đạo) bắt đầu suy yếu.
Hiện tượng thời tiết bất thường này khiến nhiệt độ tăng lên, gây ra mưa bão, lụt lội và hanh khô.... Nghiên cứu do Hiệp hội Khoa học quốc gia Mỹ phối hợp thực hiện với các chuyên gia thuộc Viện Hải dương học và trường Đại học Minnesota.
. Theo TTXVN |