Việc nâng cao kiến thức pháp luật cho phụ nữ được Hội LHPN huyện Vân Canh coi là “chìa khóa” giúp chị em làm tốt vai trò người phụ nữ trong gia đình và trách nhiệm công dân đối với xã hội.
Đưa pháp luật về làng
Trong năm qua, Hội LHPN huyện Vân Canh đã phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh và huyện tổ chức nhiều đợt trợ giúp pháp lý và tuyên truyền pháp luật cho hội viên, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số.
|
Sinh hoạt CLB Phụ nữ không sinh con thứ 3 ở Vân Canh. Ảnh tư liệu |
Để các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được duy trì thường xuyên, liên tục và đạt hiệu quả cao, Hội phụ nữ huyện và các xã, thị trấn tổ chức các lớp tập huấn, các buổi sinh hoạt, hội thảo, nói chuyện chuyên đề, giao lưu văn nghệ, tọa đàm, sinh hoạt CLB, sân khấu hóa bằng hò vè, tiểu phẩm, tuyên truyền trên đài, vận động chị em viết bài dự thi tìm hiểu Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… Bên cạnh đó, Hội đã thực hiện đồng bộ việc phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với việc phổ biến, giáo dục pháp luật đến tận hội viên. Các cấp hội phụ nữ còn vận động chị em học tập ở mọi lúc, mọi nơi, khi nghe đài, xem ti vi, sinh hoạt hội, sinh hoạt các CLB tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tham dự các buổi trợ giúp pháp lý, xét xử án lưu động… Nhờ đó, chị em đã “vỡ” ra được nhiều điều từ kiến thức pháp luật. Chẳng hạn như trường hợp mà c hị Đinh Thị Đông, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Canh Liên, chia sẻ: “Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số có người thân phạm tội trộm cắp tài sản công dân cứ nghĩ đền lại tài sản là không bị phạt tù, vậy nên khi tòa án xử phạt tù người thân, các chị rất bức xúc. May mà hôm xử vụ án ấy, có chị Măng Thị Yến, Chủ tịch Hội LHPN huyện, là Hội thẩm nhân dân tại phiên tòa, và cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh giải thích cặn kẽ cho chị em hiểu và nhận ra sự nghiêm minh của pháp luật đối với những hành vi vi phạm pháp luật”.
Nhân rộng các mô hình hay
Để đưa pháp luật đến với hội viên, các cấp hội huyện Vân Canh cũng rất chú trọng xây dựng, nhân rộng và nâng cao chất lượng các mô hình, CLB. Đến nay, toàn huyện có 2 CLB phòng chống bạo lực gia đình, 5 CLB trợ giúp pháp lý, 3 tổ phụ nữ không uống rượu, bia say, 3 CLB phụ nữ không hút thuốc lá, 1 tổ phụ nữ với pháp luật, 1 tổ phụ nữ phòng chống tệ nạn xã hội. Qua tham gia sinh hoạt, các chị đã được hiểu biết thêm những kiến thức về pháp luật và cùng nhau trao đổi kinh nghiệm làm ăn, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.
Chị Đinh Thị Xuân Bông, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Canh Thuận, cho biết: “Phụ nữ dân tộc thiểu số ít được đi học, suốt ngày bám nương, bám rẫy, quanh quẩn với công việc sản xuất nên không hiểu biết nhiều về luật pháp, nhất là các kiến thức về bình đẳng giới, về bạo lực gia đình... Được trợ giúp pháp lý, tham gia các CLB phụ nữ không uống rượu, bia say, phụ nữ không hút thuốc lá…, chị em biết thêm được nhiều điều, để không vi phạm luật pháp”. Điều đáng nói là khi mỗi chị em được học tập, hiểu luật thì họ lại trở thành những tuyên truyền viên tích cực vận động những người trong làng, trong thôn cùng thực hiện.
Ngoài việc đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hội viên, Hội phụ nữ huyện cùng các ngành, đoàn thể xây dựng 9 tủ sách pháp luật ở các khu dân cư; vận động 4 dòng tộc đăng ký không có tội phạm và tệ nạn xã hội là họ Đào, họ Nguyễn, họ Tô, họ Phạm; 3 tổ tự quản an ninh trật tự; mở 22 lớp giáo dục pháp luật cho 440 đối tượng tham gia học tập; tham gia quản lý 212 thanh thiếu niên chậm tiến, 117 đối tượng theo Nghị định 163/CP, đã có 102 đối tượng tiến bộ, trong đó có 4 phụ nữ tái hòa nhập cộng đồng, 3 phụ nữ theo đạo trái phép trở về với cuộc sống đời thực. Hàng năm, cán bộ Hội còn tham gia hòa giải hàng chục vụ mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn khu dân cư, làm hội thẩm nhân dân tham gia xét xử các vụ án về hôn nhân, gia đình, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em.
Chị Măng Thị Yến, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vân Canh, cho rằng: “Học tập pháp luật để hiểu biết và thực hiện đúng pháp luật là chìa khóa để giúp chị em làm tốt vai trò người phụ nữ trong gia đình và trách nhiệm công dân đối với xã hội. Do vậy trong thời gian tới, nhiệm vụ nâng cao kiến thức pháp luật cho hội viên phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số; vận động hội viên thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa và khu dân cư văn hóa vẫn luôn được Hội quan tâm thực hiện, nhằm giảm tình trạng bạo lực gia đình, giảm con em hội viên, phụ nữ vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội.
|