Nghe cô Năm kể, hồi cô ưng chú, chú có đúng một bộ đồ mặc trên người. Chưa hết, chú còn ra điều kiện với cô:“Do ngoài quê bom đạn chiến tranh nên cha con tui mới phải dắt díu nhau, tản cư vô đây. Tui chỉ có cha mà cha cũng chỉ có tui. Nên tui ở đâu là cha tui ở đó. Không rời được đâu. Không bỏ được đâu. Em đã ưng tui là chấp nhận, không thì thôi vậy”.
Chồng ở rể đã khó coi mà cha chồng lại phải sống trong nhà ông bà sui, càng khó coi hơn nữa. Khó coi khiến khó chịu. Khó chịu làm khó xử. Khó xử cả trăm bề… Nên nghĩ nát óc, cô Năm đành rời nhà cha mẹ ruột để ra riêng. Để cho “… tui ở đâu là cha tui ở đó…” được thoải mái mà chính cô cũng đỡ khổ tâm. Chịu khó làm lụng, tằn tiện cô chú cũng mua được nhà, sau mấy năm lấy nhau. Căn nhà ấy ở phía sau nhà tôi hiện giờ. Cùng trên một khuôn đất. Chú mất đã trên chục năm và cô Năm phụng dưỡng cha chồng từ hồi ấy. Cả xóm khen sự hiếu để và hết lòng của cô Năm. Cụ ông đã gần chín mươi, mắt mờ và lẩn thẩn nên việc chăm sóc thật không dễ dàng gì. Ăn rồi ông bảo chưa ăn, vệ sinh bừa bãi khắp nhà…
Thấy mẹ thương ông nội mà vất vả, các con cô cũng xắn tay tham gia. Cứ sáng sáng, hai thằng cháu đưa nội ra sân sau để tắm rửa. Trong lúc đó, cô Năm làm vệ sinh phòng, thay chiếu, mền. Rồi cô cho ông ăn sáng và giặt cả đống đồ dơ. Quần quật suốt ngày mà tôi chưa hề thấy cô mở miệng kêu than lấy nửa lời. Nhiều người trong xóm hay chậc lưỡi: “Mà phải chi ông chồng còn sống…”.
Giữa thời buổi nhiều giá trị đạo đức bị xuống cấp, tình cảm gia đình cũng bớt phần thiêng liêng như xưa, may làm sao khi còn có những người con hiếu thảo như cô Năm. Tôi cũng sống chung với mẹ chồng trong nhiều năm. Mẹ con có hồi vui lúc buồn, khi yên ấm khi nhạt lạnh… Mỗi lần có chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, tôi lại nhìn gương của cô Năm để điều chỉnh lại mình trong cách ăn, nếp ở.
Chừng mươi bữa, tôi lại thấy cô Năm dắt ông cụ đi hớt tóc. Sợ ông lẫn, tiểu trên ghế ngồi ở cửa tiệm thì khổ nên cô dỗ dành đủ kiểu, để cụ đi ra ngoài đất. Cô cứ một điều cha hai điều cha. Tiếng “Cha” thoát ra khỏi miệng người đàn bà nhân hậu này, không hiểu sao cứ khiến tôi bắt rưng lòng. Cha, là cha, cớ sao cứ phải rạch ròi cha ruột, cha chồng...
|