Hôm nay (23.1), các nhà nghiên cứu Nhật Bản tuyên bố thành công trong việc phát triển mô thận người từ tế bào gốc lần đầu tiên trên thế giới. Thành công đột phá này mở ra hi vọng cho hàng triệu người bị bệnh thận đang sống dựa vào kỹ thuật lọc thận.
Thận là một cơ quan phức tạp không dễ phục hồi một khi đã bị hư. Phát hiện mới nhất của các nhà khoa học Nhật có thể ứng dụng giúp thận tự phục hồi.
Nhóm nghiên cứu của trường đại học Kyoto do Kenji Osafune đứng đầu đã thành công trong việc tạo ra mô trung bì từ tế bào gốc. Mô trung bì là bước phát triển trung gian giữa tế bào gốc và mô thận hoàn chỉnh.
90% mô nuôi cấy trong phòng thí nghiệm của nhóm nghiên cứu phát triển thành mô trung bì sống.
Mô trung bì này này có thể tiếp tục phát triển trong ống nghiệm hoặc trong cơ thể vật thí nghiệm sống thành tế bào thận cụ thể.
Dù nghiên cứu trên không hướng đến mục tiêu phát triển một quả thận đầy đủ nhưng phương pháp nghiên cứu này sẽ giúp giới khoa học hiểu rõ hơn về sự phát triển của mô trung bì.
Kết quả nghiên cứu của nhóm Osafune được đăng trên tạp chí khoa học trực tuyến Nature Communications.
Tố Uyên (Theo AFP) |