Thông tư số 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế về điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đã có hiệu lực được 10 ngày; nhưng xem ra quy định này chỉ mới hiệu lực… trên giấy.
Dạo một vòng quanh TP Quy Nhơn, chúng tôi nhận thấy, tại một số khu vực tập trung nhiều người bán thức ăn đường phố như: khu vực BVĐK tỉnh (đường Nguyễn Huệ); khu vực BVĐK TP Quy Nhơn (đường Trần Hưng Đạo); trước cổng Trường Đại học Quy Nhơn (đường An Dương Vương)…, hầu như không có gì thay đổi từ khi Thông tư số 30/2012/TT-BYT về điều kiện ATTP đối với thức ăn đường phố có hiệu lực (từ ngày 20.1.2013).
|
Phần lớn những người bán thức ăn đường phố đều không đáp ứng đầy đủ các quy định trong Thông tư số 30/2012/TT-BYT. |
Sáng 28.1, có mặt trước khu vực bán thức ăn đường phố tại cổng BVĐK tỉnh, tôi thấy các gian hàng đều rất xập xệ, không hề có thiết bị bảo quản hợp vệ sinh và chống được bụi bẩn, ruồi nhặng, côn trùng; hầu hết người bán hàng dùng “tay trần” để cầm, lấy thức ăn cho khách. Đặc biệt, nhiều trường hợp, người bán hàng vô tư đặt gánh thức ăn ngay dưới đất để bán cho người mua.
Chiều cùng ngày, chúng tôi tiếp tục tới quan sát các gánh hàng rong được bày bán ở trước Trường Đại học Quy Nhơn. Tại đây, hầu hết các gian hàng bán thức ăn nhanh như thịt nướng, khoai lang chiên, bánh tráng trộn… đều không có dụng cụ bảo quản, che đậy hợp vệ sinh. Khi nghe chúng tôi liệt kê một số yêu cầu về điều kiện ATTP đối với thức ăn đường phố được quy định tại Thông tư số 30/2012, nhiều người bán hàng “miệng chữ O, mắt chữ A” và cho biết đây là lần đầu tiên họ nghe quy định này. Chị Lệ, ở khu vực 4, phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn- một người bán khoai lang chiên, cho biết: “Lo kiếm tiền nuôi mấy đứa con ở nhà đã mệt lắm rầu, để ý chi mấy cái quy định đó cho cực. Làm quần quật suốt ngày còn chưa đủ ăn, lấy đâu ra tiền mà đi khám sức khỏe, đi tập huấn để được phát giấy chứng nhận”.
Theo quy định tại Thông tư số 30/2012/TT-BYT: Người bán hàng phải mang trang phục sạch sẽ và gọn gàng; khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, đồ uống ăn ngay phải dùng găng tay sử dụng 1 lần. Người kinh doanh thức ăn đường phố phải tập huấn và được cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP theo quy định. Người kinh doanh thức ăn đường phố phải được khám sức khỏe và cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sức khỏe theo quy định… |
“Nếu thực hiện đúng quy định về điều kiện ATTP đối với thức ăn đường phố, chắc những người bán hàng rong như tôi phải “dẹp tiệm” hết. Thôi thì bán được ngày nào hay ngày đó, khi nào Nhà nước không cho bán nữa thì tính. Không riêng gì tôi mà rất nhiều người khác cũng không thể đáp ứng hết các quy định Nhà nước đặt ra” - một người bán hàng rong trước cổng BVĐK TP Quy Nhơn bộc bạch khi nghe chúng tôi đề cập tới các quy định trong Thông tư số 30/2012.
Hiện nay một số tuyến đường trên địa bàn TP Quy Nhơn, như: Nguyễn Công Trứ, Hàn Mặc Tử, Ngô Văn Sở, Lê Lợi, Lê Hồng Phong…, chúng tôi thấy hầu hết những người buôn bán thức ăn đường phố đều không chấp hành và chẳng mấy quan tâm đến Thông tư mà Bộ Y tế vừa ban hành.
Theo ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND phường Đống Đa: “Trước giờ phường cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, tập huấn về công tác đảm bảo ATTP đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Còn về Thông tư 30/2012, do phường chưa nhận được hướng dẫn cụ thể của các ngành chức năng nên chưa triển khai thực hiện”.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người bán thức ăn đường phố nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; đưa Thông tư số 30/2012/TT-BYT thật sự đi vào cuộc sống. Đối với người tiêu dùng, hãy cẩn thận khi chọn mua thức ăn đường phố; nên chọn những món ăn, thức ăn hợp vệ sinh, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mình.
|