Dân Việt – Giữ gìn ăn uống sao cho vệ sinh và hợp lý trong những ngày tết là một việc hết sức cần thiết. Dưới đây là một số kinh nghiệm ăn uống quý báu mà dinh dưỡng học cổ truyền tích lũy được.
1. Ăn nhiều đồ vị cay, tính ấm
Theo quan niệm của dinh dưỡng học cổ truyền, những ngày tết là thời điểm mùa đông chưa qua mùa xuân mới tới, dương khí trong vạn vật cũng như trong nhân thể đang từ từ hồi sinh và thăng phát nhưng tiết trời vẫn còn lạnh lẽo, hàn tà chưa hết nên vẫn dễ làm tổn thương dương khí.
Bởi vậy, phép dưỡng sinh ăn uống ngày tết phải chú ý trọng dụng các loại thực phẩm có vị cay, tính ấm, tránh dùng đồ ăn thức uống có tính lạnh để bảo vệ khí dương. Trong đó, những thứ rau gia vị như hành, hẹ, tỏi, rau thơm, rau mùi, gừng sống, quế, hồi...có vị cay, tính ấm nên dùng nhiều hơn vì vị cay có tác dụng phát tán, hành khí, hành huyết ; tính ấm có thể tán âm hàn, trợ dương khí. Những thực phẩm có đặc tính này sẽ giúp cơ thể có đủ khả năng phòng chống hàn tà nhưng đồng thời cũng có tác dụng kích thích và hỗ trợ cho sức đề kháng của cơ thể.
Mặt khác, phải chú ý kiêng kị hoặc ăn ít các thực phẩm có tính lạnh dễ làm hao tổn dương khí và có hại cho tỳ vị như cua, ốc, trai, hến, đậu xanh, giá đỗ, ngó sen, bí xanh, cải xanh, rau rút, mướp đắng, dưa hấu, dưa chuột, thịt trâu...Nếu cần dùng thì phải chú ý phối hợp với các gia vị và thực phẩm khác có tính ấm nóng. Ví như, nấu canh rau cải, canh bí xanh phải chế thêm gừng tươi ; món ốc hấp phải ướp nhiều hạt tiêu, lá gừng...
2. Ăn thức có vị ngọt, tránh đồ béo
Theo học thuyết ngũ hành, can thuộc mộc, tỳ thuộc thổ, can mộc vượng thịnh sẽ khắc phạt tỳ thổ. Mùa xuân là mùa ứng với can mộc, nếu không biết phép dưỡng sinh mà làm cho can mộc quá vượng tất sẽ khiến cho tỳ thổ bị suy yếu mà phát sinh các chứng trạng như ăn uống không ngon miệng, hay đầy bụng chậm tiêu, thậm chí có thể đau bụng, đi lỏng, nôn và buồn nôn.
Bởi vậy, ăn uống trong những ngày tết không những cần tạo điều kiện cho tạng can hoạt động thuận lợi với vai trò là cơ quan chủ khí mà còn phải chú ý tránh làm cho can mộc vượng thịnh quá mức và bảo trợ tỳ vị làm tốt chức năng tiêu hóa hấp thu thức ăn. Tôn Tư Mạo, y gia trứ danh đời Đường (Trung quốc), trong sách Thiên kim yếu phương đã khuyên nên ăn ít chua nhiều ngọt về mùa xuân để bảo dưỡng tỳ vị.
Chua vào can, ngọt vào tỳ, ăn ít chua sẽ làm giảm bớt sự vượng thịnh của can khí, ăn nhiều ngọt sẽ hỗ trợ tỳ vị và phòng tránh được tình trạng rối loạn tiêu hóa. Những thực phẩm có vị ngọt nên dùng nhiều như gạo tẻ, gạo nếp, các loại đậu, củ mài, đại táo, long nhãn, kẹo mạch nha, trà hà thủ ô, trà kỷ tử, nước dâu...Mặt khác, cũng cần chú ý tránh ăn quá nhiều đồ bổ béo và khó tiêu dễ làm thương tổn tỳ vị, đặc biệt đối với người già, trẻ em và những người có bệnh lý đường tiêu hóa.
3. Ăn nhiều rau quả tươi
Theo cổ nhân, mùa xuân là mùa vạn vật sinh trưởng phát dục, dương khí thăng phát, thảo mộc sinh sôi, nơi nơi tràn đầy sức sống. Lúc này, cơ thể con người đòi hỏi khá nhiều chất dinh dưỡng để đáp ứng cho sự sinh trưởng và hoạt động phong phú của mình. Muốn vậy, cổ nhân khuyên phải biết tận dụng "khí mới phát sinh" của giới tự nhiên để phục vụ cho mục đích bảo vệ và nâng cao sức khỏe.
Về sinh hoạt, sách Hoàng đế nội kinh viết: "Dạ ngọa tảo khởi, quảng bộ ư đình, bị phát hoãn đình, dĩ sử chí sinh", nghĩa là mùa xuân nên đi ngủ muộn một chút, rồi dậy sớm, để thích ứng với khí phát sinh của thiên nhiên. Sau khi thức dậy nên xõa tóc, đi bộ những bước dài thong thả ngoài trời để cho ý thức tư tưởng và khả năng linh cảm phát sinh không ngừng. Về ăn uống, nên ăn nhiều rau quả tươi để mượn "sức xuân" của cỏ cây hoa lá mà kích thích, hỗ trợ cho quá trình sinh trưởng và phát dục của cơ thể.
4. Uống ít, uống từ từ
Ăn uống ngày tết thường không thể thiếu rượu vì hàng ngàn năm nay thứ đồ uống đặc biệt này vốn là biểu tượng của tình hữu nghị, là hình ảnh của sự mở đầu thắng lợi, làm tăng thêm không khí vui vẻ, ấm cúng và thân mật. Phương ngôn có câu:" Không rượu chẳng nên tiệc". Vả lại, theo y học cổ truyền, " trà vi vạn bệnh chi dược, tửu vi bách dược chi trưởng" (trà là thuốc chữa vạn bệnh, rượu đứng đầu trăm thứ thuốc), rượu có công dụng làm lưu thông huyết mạch, trợ giúp tỳ vị, làm da dẻ nhu nhuận, trừ phong thấp, dẫn thuốc, sát trùng, giảm đau và nâng cao năng lực chống lạnh.
Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ cần phải biết uống rượu như thế nào để có lợi cho sức khỏe. Cổ nhân khuyên ba điều: Nên uống ít chớ uống nhiều, uống từ từ vừa nói chuyện vừa uống và phải biết cách giải rượu khi say.
5. Lượng sức mình
Cuối cùng, ăn uống trong ngày tết cũng phải tuân thủ triệt để nguyên tắc "nhân nhân chế nghi" của ẩm thực cổ truyền, nghĩa là phải căn cứ vào những đặc điểm về giới, tuổi tác, thể chất và tình trạng bệnh tật cụ thể mà lựa chọn các loại thực phẩm, cách thức chế biến, liều lượng sử dụng và vấn đề ăn kiêng cho phù hợp.
Ví như, người có thể chất dương thịnh nên tránh dùng các thực phẩm cay nóng như ớt, gừng, hành, tỏi...và tối kỵ uống rượu, nên ăn nhiều rau quả tươi có tính mát rau cải, mướp đắng, dưa hấu, giá đỗ...; người bị bệnh đường tiêu hóa thuộc thể tỳ vị hư hàn nên kiêng các đồ sống lạnh như cua, ốc, trai, hến, đậu xanh, ngó sen, bí xanh, dưa hấu. dưa chuột, thịt trâu..., nên ăn nhiều thực phẩm có vị cay tính ấm như rau hẹ, rau thơm, kinh giới, bí đỏ, hạt sen, thịt dê, thịt chó, tôm, hạt tiêu, gừng, ớt...và có thể chọn dùng những loại rượu tiêu thực nhằm trợ giúp công năng tiêu hóa và hấp thu như rượu sa nhân, rượu thương truật, rượu nhục đậu khấu, rượu gừng...
|