|
Các đơn vị y tế đã chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật dụng y tế phục vụ cấp cứu, điều trị trong dịp Tết.
|
Những ngày cao điểm Tết, các bệnh viện đều quá tải với các ca cấp cứu do tai nạn giao thông và ngộ độc thực phẩm. Ngành Y tế cũng dự báo về nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, sốt rét, cũng như sự lây lan nhanh của bệnh cúm A (H5N1), tả…
Trực 24/24
Từ ngày 20.1, lịch trực Tết của BVĐK tỉnh đã được thông báo rộng rãi để cán bộ, nhân viên theo dõi thực hiện. “Các khoa quan trọng như khoa Khám, Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu và các khoa lâm sàng hệ ngoại đều bố trí kíp trực 24/24 giờ, bảo đảm xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu, điều trị. Chúng tôi cũng tăng cường kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác an ninh, phòng chống cháy nổ tại các khoa, phòng cũng được chú trọng”, bác sĩ Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh, cho biết.
Trong khi đó, tại BVĐK khu vực Bồng Sơn, đợt cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tất cả các khoa lâm sàng đều bố trí 2 điều dưỡng trực, riêng khoa Sản và Hồi sức cấp cứu có 3-4 điều dưỡng. Phó Giám đốc Bệnh viện Trần Quốc Việt cho hay: “Ở các khoa thiếu nhân lực, nhiều người đã tự nguyện trực không thù lao dù không có lịch phân công. Công tác bảo đảm an ninh trật tự cũng được tăng cường, nhất là các đêm 29 và mùng 1, 2, 3 Tết”.
Bên cạnh công tác chuẩn bị tại chỗ, các bệnh viện trong tỉnh cũng đã củng cố các tổ cấp cứu ngoại viện khi xảy ra tình huống khẩn cấp như tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm có lượng bệnh nhân lớn. Theo bác sĩ Trần Quốc Việt, BVĐK khu vực Bồng Sơn có 2 tổ cấp cứu ngoại viện, mỗi tổ gồm 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng, luôn trong tư thế sẵn sàng.
Chú trọng phòng dịch
Ngày 5.2, Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng đã chỉ đạo trung tâm y tế và phòng y tế các huyện, thị xã, thành phố phối hợp tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch bệnh để người dân hiểu, tự giác và tích cực tham gia các biện pháp vệ sinh phòng bệnh để tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm gây dịch, tập trung vào vùng nguy cơ cao, ổ dịch cũ, các đầu mối giao thông, hạn chế đến mức thấp nhất tỉ lệ mắc, tử vong.
Với các bệnh viện, ông Hùng yêu cầu phải bố trí sẵn sàng khu vực cách ly, chuẩn bị đầy đủ thuốc, phương tiện, nhân lực để tổ chức cấp cứu, điều trị và hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Minh cho biết, 4 đội cấp cứu phòng chống dịch bệnh và thảm họa của BVĐK tỉnh đã được củng cố, sẵn sàng chống dịch và hỗ trợ tuyến dưới.
Hơn một tháng qua, bệnh sốt xuất huyết và sốt rét diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 5.2, các cơ sở y tế đã ghi nhận 471 trường hợp mắc sốt xuất huyết; 27 ổ dịch ở Quy Nhơn, Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ và Hoài Nhơn. Đến nay, đã có 119/159 xã, phường, thị trấn có ca bệnh; vẫn còn 62 bệnh nhân đang nằm viện điều trị.
Thời điểm trước, trong và sau Tết, nhiều lao động ở các tỉnh Tây Nguyên- vùng lưu hành sốt rét nặng - về quê ăn Tết, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch sốt rét. Theo Trung tâm Phòng chống Sốt rét- Các bệnh nội tiết tỉnh, chỉ tính riêng trong tháng 1.2013 đã có 28 trường hợp mắc sốt rét, 1 ca sốt rét ác tính; trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Hoài Ân (9 ca), An Lão (2 ca)…
Đến thời điểm này, ngoài kế hoạch trực dịch, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các trung tâm y tế địa phương đều tổ chức các đội chống dịch cơ động. Bác sĩ Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn, cho hay, lực lượng chống dịch tại thành phố đã được bố trí sẵn sàng từ cấp thôn, khu vực đến cấp xã, phường. Khi xuất hiện các trường hợp nhiễm bệnh trên địa bàn, lực lượng này sẽ lập tức làm công tác giám sát và báo về đường dây nóng của Trung tâm để xử lý kịp thời. Thành phố cũng đã tổ chức tổng vệ sinh toàn địa bàn.