|
Trong dịp Tết, số bệnh nhi nhập viện khá nhiều, chủ yếu là các bệnh về đường tiêu hóa và hô hấp.
- Trong ảnh: Bệnh nhi điều trị ở BVĐK TP Quy Nhơn. |
Mọi người thường nói “ăn Tết”, “chơi Tết”. Mải ăn, mải chơi, nhiều người quên mất phải giữ gìn sức khỏe. Những lời khuyên sau đây sẽ giúp bạn có một cái Tết an toàn hơn.
BS. NGUYỄN VĂN TUẤN, BVĐK TP QUY NHƠN:
Trẻ dễ mắc các bệnh tiêu hóa và hô hấp
Trong dịp Tết, số bệnh nhi nhập viện khá nhiều, chủ yếu là các bệnh về đường tiêu hóa và hô hấp. Thời tiết thay đổi tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh đường hô hấp phát triển. Hơn nữa, khả năng trẻ mắc bệnh tăng lên do được cha mẹ đưa đến những nơi đông đúc, tiếp xúc với nhiều người và vật dụng có thể mang vi trùng sinh bệnh. Trong trường hợp bé sốt nhẹ dưới 38,5oC, cha mẹ cho trẻ mặc đồ thoáng, dùng thuốc hạ sốt, đảm bảo dinh dưỡng.
Thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày khiến trẻ dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa: ngộ độc thực phẩm, viêm dạ dày ruột, tiêu chảy… Cha mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước, nhất là nước trái cây tươi, dung dịch Oresol để bù lượng nước bị thiếu hụt.
Tò mò và hiếu động nên trẻ rất dễ gặp nguy hiểm do té ngã, tai nạn, bỏng. Lưu ý để trẻ tránh xa các loại hạt dưa, hạt bí… Khi trẻ đột ngột ho sặc sụa, khó thở, tím tái, cha mẹ hãy nghĩ tới khả năng bị hóc dị vật để thực hiện các biện pháp xử lý: nới rộng quần áo, vỗ lưng, ấn ngực để tống dị vật ra và nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện.
BS. NGUYỄN THÀNH VÂN, BVĐK KHU VỰC BỒNG SƠN:
Xử trí nhanh khi phát hiện ngộ độc thực phẩm
Tết là dịp dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm, do người dân sử dụng thực phẩm có phần “tự do” hơn. Khi bệnh nhân có các biểu hiện: chóng mặt, vã mồ hôi, nôn, tiêu chảy… cần khẩn trương thực hiện các biện pháp gây nôn để nôn hết thức ăn ra, sau đó cho uống nhiều nước, nhất là nước dừa, nước cháo, nước đường.
Trong những ngày Tết, nhiều người lạm dụng rượu, sẽ rất nguy hiểm khi sử dụng các loại rượu ngâm, rượu không rõ nguồn gốc. Tuyệt đối không được uống rượu “tù tì” cả ngày. Rất khó phát hiện nạn nhân bị ngộ độc rượu, chỉ có thể kết luận khi có số đông người “cùng mâm” có chung biểu hiện như tê chân tay, tê lưỡi, co giật… Khi phát hiện người ngộ độc rượu, việc cần làm ngay cũng là gây nôn để nôn hết lượng rượu chưa tiêu hóa, sau đó bổ sung nước. Nhưng, với người đã hôn mê thì tuyệt đối không sử dụng biện pháp gây nôn.
Sau khi xử trí nhanh, nếu các triệu chứng vẫn kéo dài, nhất thiết phải đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế điều trị.
BS. PHAN NAM HÙNG, BVĐK TỈNH:
Người mắc bệnh mạn tính cần duy trì chế độ dùng thuốc
Người mắc bệnh mạn tính cần duy trì chế độ dùng thuốc trong những ngày Tết, nếu lơ là có thể làm cho bệnh nặng thêm và nguy hiểm. Người bệnh cần gạt bỏ tâm lý “kiêng chữa bệnh”, kiêng các chế độ liên quan đến chữa bệnh, ngừng uống thuốc, mải vui quên uống thuốc, tiêm thuốc…
Sự lựa chọn thuốc điều trị các bệnh mạn tính tùy thuộc vào yếu tố nguy cơ, nên phải theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Bên cạnh đó, vấn đề ăn uống và tập luyện có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định bệnh và phòng ngừa biến chứng có thể xảy ra. Các hoạt động luyện tập thể dục hợp lý được khuyến khích duy trì; thực hiện chế độ ăn uống hợp lý cho từng bệnh.
Đặc biệt lưu ý với bệnh nhân tăng huyết áp cần phải duy trì chế độ ăn uống hợp lý. Các món ăn giàu đạm, dầu mỡ trong dịp Tết không phù hợp với những bệnh nhân mắc bệnh này. Người bệnh cần ăn nhạt, không quá 5-6g muối ăn/ngày; hạn chế thức ăn chế biến sẵn như giò, chả, đồ xông khói, các món muối, tẩm ướp; hạn chế tối đa chất béo; không nên ăn bánh kẹo, uống rượu bia, không hút thuốc lá; tăng cường ăn rau quả xanh, trái cây…
|