Dẫn đường cho trẻ khiếm thị
20:39', 22/2/ 2013 (GMT+7)

Đến trường là ước mơ chính đáng của mọi trẻ em. Thông qua sự giới thiệu của Hội Người mù tỉnh, giấc mơ đến trường của nhiều trẻ khiếm thị đã trở thành hiện thực. Tuy vậy, vẫn còn không ít những ước mơ bị dở dang…

Dẫn đường cho trẻ

Về nhà ở thôn Vĩnh Hy, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, ăn Tết sau thời gian dài đi học, Lê Đức Tú háo hức khoe với cha mẹ về những điểm 9, điểm 10 có được khi học tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP Hồ Chí Minh). Năm nay, cậu bé 11 tuổi này đã vào lớp 2, là lớp phó học tập. Kết thúc năm học trước, Tú là học sinh tiên tiến. Không chỉ thế, Tú còn là cây văn nghệ của Cơ sở Bừng Sáng - nơi em đang sinh hoạt và được chu cấp ăn, học miễn phí. Không chỉ hát hay, Tú còn đàn organ rất tốt.

 

Bé Tú (ngoài cùng bên trái) hào hứng kể cho mẹ và bạn Hường (ngoài cùng bên phải) về chuyện đi học tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP Hồ Chí Minh).

Từng hoang mang, lo lắng cho tương lai của đứa con đầu kém may mắn, chị Đỗ Thị Bích Hồng rất vui mừng trước những tiến bộ của con. Chị kể: “Được đến trường, Tú thay đổi, trưởng thành nhiều lắm! Khác hẳn với vẻ rụt rè, nhút nhát ngày trước, bây giờ bé tự tin, tự lập, ngoan và hiểu biết hơn. Mỗi lần vào thăm con, được nghe lời khen của các thầy cô về con, được nhìn thấy con tự dò bước đến trường, nghe tiếng con đọc bài, tập hát, tập đàn, thấy con được chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ… mọi lo lắng khi xa con đều tan biến”.

Cùng chung điểm xuất phát với Tú, nhưng bé Nguyễn Lê Diễm Quỳnh, 12 tuổi, ở thôn Luật Lễ, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, lại đang học lại lớp 1 tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Do bị thiểu năng trí tuệ, việc học của cô bé khiếm thị này có phần gian nan hơn. Tuy nhiên, Quỳnh đã có những nỗ lực đáng kể để vượt qua chính mình. Ông Nguyễn Tâm, 43 tuổi, ba của Quỳnh, chia sẻ: “Dù chậm so với các bạn, nhưng những thay đổi của con hết sức rõ rệt, đặc biệt là trong sinh hoạt và thái độ sống. Trước kia, mọi sinh hoạt cá nhân của bé đều phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ, còn giờ bé đã tự làm được. Điều khiến gia đình tôi vui nhất là bé đã vui vẻ, hoạt bát hơn”.

14 tuổi, Nguyễn Thị Thanh Hường mới được đi học. Với Hường, ngày các cô trong Hội Người mù tỉnh tìm đến nhà ở thôn Vinh Thạnh 1, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, để thuyết phục ba mẹ cho em đến lớp là sự kiện không bao giờ quên. Như những đứa trẻ khuyết tật khác, Hường luôn khao khát được đi học. Ba mẹ, chú bác cũng đã từng tìm trường cho em nhưng đều vô vọng.

Hiện, Hường đang học lớp 2 tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thị của Hội Người mù TP Hồ Chí Minh. Kết thúc năm học trước, Hường là học sinh tiên tiến. Vượt qua những lúc nhớ nhà, Hường đã tìm thấy niềm vui, động lực khi được gặp gỡ các bạn đồng cảnh ngộ, nhận được sự quan tâm của các anh chị, thầy cô… để tiếp tục theo đuổi giấc mơ trở thành cô giáo.

Tích cực vận động

Hai năm gần đây, Hội Người mù tỉnh đã tích cực vận động và đưa được 7 trẻ khiếm thị trong độ tuổi 10-15 đến trường. Các trẻ được học tại 2 cơ sở uy tín là Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TP Hồ Chí Minh và Trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thị của Hội Người mù TP Hồ Chí Minh. Các em đều được chăm lo học hành, ăn ở miễn phí. Trẻ học tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu ở tại Cơ sở Bừng Sáng. Các em học tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thị được ở ngay tại Trung tâm.

Tuy nhiên, việc vận động người nhà cho trẻ khiếm thị đến trường vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện, vẫn còn 8 trẻ khiếm thị trong độ tuổi đi học (6-13 tuổi) chưa được đến trường. Lý giải về thực trạng này, chị Mai Thị Bích Thu, Ủy viên thường vụ phụ trách mảng Phụ nữ và Trẻ em của Hội Người mù tỉnh, cho biết: “Khó khăn nhất xuất phát từ tâm lý của phụ huynh. Không ít người tỏ thái độ ngạc nhiên về việc cho trẻ khiếm thị đi học khi chúng tôi đến tuyên truyền, vận động. Họ chưa nhận thấy ý nghĩa, sự cần thiết của việc đưa trẻ đến trường. Phần nữa, nhiều phụ huynh đã thay đổi và nhận thức rõ mình không thể chăm con cả đời, con cần học cách tự bước đi nhưng vẫn rất e ngại để trẻ đi học xa nhà”.

Trong năm 2013, Hội Người mù tỉnh có kế hoạch dành riêng 1 trong số 4 lớp Nâng cao kỹ năng sống cho đối tượng trẻ em. Lớp sẽ kéo dài trong 4 tháng với các hoạt động chính là dạy xóa mù chữ và phục hồi chức năng. Hoạt động này sẽ góp phần xóa đi tâm lý e ngại, lo lắng, đồng thời giúp phụ huynh hiểu hơn về việc học của trẻ khiếm thị. Thấy được niềm vui, những thay đổi bước đầu của trẻ, phụ huynh sẽ mạnh dạn hơn khi cho con đi học xa.

  • NGUYỄN MUỘI
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
UNESCO nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếng mẹ đẻ  (22/02/2013)
Thuốc nhuộm tóc + khói thuốc lá = ung thư  (21/02/2013)
Việt Nam sắp phóng vệ tinh hơn 70 triệu USD  (21/02/2013)
Cách nhận biết thiên thạch  (21/02/2013)
Cảnh giác với tin nhắn rác, tin lừa đảo   (20/02/2013)
Có thể ngăn ngừa tiểu hành tinh lao vào Trái đất?  (20/02/2013)
Taxi tại Malaysia được gắn thiết bị định vị toàn cầu  (19/02/2013)
2 viện hàn lâm đầu tiên của VN chuẩn bị hoạt động  (18/02/2013)
Đã tìm thấy các mảnh vỡ thiên thạch tại Nga  (18/02/2013)
Hơn 1.700 ca cấp cứu trong dịp Tết  (17/02/2013)
Vụ thiên thạch rơi: Chưa từng có vào thời hiện đại  (17/02/2013)
Valentine 2013: trên mạng xôn xao, ngoài đời thiết thực  (14/02/2013)
Bánh tét dài 38 m phục vụ hàng nghìn thực khách  (13/02/2013)
Phát minh mới về vắcxin tiêu diệt tế bào ung thư  (08/02/2013)
Năm Tỵ kể chuyện “đệ nhất” rượu đẻn  (08/02/2013)