Lai tạo thành công giống cá trê lai
22:5', 27/2/ 2013 (GMT+7)

Từ 2 giống cá trê phi và cá trê vàng, Trung tâm Giống thủy sản Bình Định đã lai tạo được giống cá trê lai với đặc tính thịt ngon, phát triển nhanh, dễ nuôi… Đây là kết quả của đề tài “Ương nuôi thương phẩm cá trê lai ở Bình Định” do đơn vị nói trên thực hiện.

Cá trê vàng có trong tự nhiên, nhiều nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, thịt ngon, dai, có sức chịu đựng cao, nhưng lâu lớn. Ở tỉnh ta, cá trê vàng cũng có nhiều nhưng dần cạn kiệt vì bị khai thác quá mức. Cá trê phi có nguồn gốc ở châu Phi, đã được di giống nuôi ở nước ta từ lâu, tăng trưởng nhanh, dễ nuôi. Kết hợp 2 yếu tố này, Trung tâm Giống thủy sản cho lai tạo ra con cá trê lai. Cá trê lai sẽ có đặc tính vừa ngon vừa dễ nuôi, lại phát triển nhanh.

 

Cá trê thương phẩm tại một mô hình nuôi thử nghiệm. Ảnh: H. LÂN

Theo những người thực hiện đề tài, cá trống (giống trê phi), cá mái (trê vàng) bố mẹ có trọng lượng khoảng 0,2 kg/con, được nuôi vỗ riêng ở từng ao trong thời gian 2 tháng và cho tiến hành sinh sản nhân tạo. Đến nay, Trung tâm đã sản xuất trên 390 ngàn con cá trê giống đảm bảo chất lượng, ngoài cung cấp cho mô hình nuôi thử nghiệm, còn bán ra trên 45 ngàn con cho người nuôi trong tỉnh.

Sau khi cho sinh sản nhân tạo, ương giống thành công cá trê lai, những người thực hiện đề tài nuôi thử nghiệm, qua các mô hình trong ao đất, ao phủ bạt, ở những vùng khác nhau để có kết luận chính xác nuôi theo mô hình nào đạt kết quả cao nhất. Đây cũng là cơ sở để hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi, sau đó chuyển giao cho người nuôi trong tỉnh.

Mô hình nuôi trong ao đất được thực hiện ở xã Vĩnh Hiệp (huyện Vĩnh Thạnh), xã Mỹ Châu (Phù Mỹ), có diện tích từ 200-300m2, mật độ thả 50 con/m2. Sau 3 tháng nuôi, cá trê lai đạt khối lượng trung bình 260 - 270g/con, tỉ lệ sống đến 92-93%, sản lượng thu được mỗi mô hình từ 2.300 - 3.700 kg; lãi trên 12 triệu đồng. Mô hình nuôi trong ao có phủ bạt ở xã Mỹ Lợi (Phù Mỹ), diện tích 100m2, mật độ như ao đất, sau 3 tháng nuôi, cá đạt khối lượng trung bình 250g/con, tỉ lệ sống 91%, sản lượng thu được hơn 1.100kg.

Kỹ sư Lê Trung Vinh, chủ nhiệm đề tài, cho biết: “Cá trê lai rất dễ nuôi, có thể nuôi trong ao đất tự nhiên, ao phủ bạt, bể xi măng… Nuôi trong bể xi măng thì tỉ lệ sống cao, nhưng tăng trưởng chậm; nuôi ở ao tự nhiên thì hao hụt nhiều hơn nhưng tăng trưởng nhanh hơn. Người nuôi không dùng đơn thuần thức ăn công nghiệp, mà tận dụng cá tạp, các loại phế phẩm động vật rẻ tiền kết hợp thức ăn công nghiệp để nuôi cá trê lai. Nhiều người nuôi cá lóc có kết hợp nuôi cá trê lai để tận dụng thức ăn thừa của cá lóc, vừa giảm chi phí vừa làm giảm ô nhiễm môi trường nuôi”.

Hiện nay, ngoài các mô hình, một số người dân ở vùng ven biển các xã Mỹ Lợi, Mỹ Đức, Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ) đã tự đầu tư nuôi cá trê lai. Với giá cá thương phẩm hiện nay từ 28.000 - 30.000 đồng/kg, người nuôi lãi từ 4.000 - 6.000 đồng/kg.

  • HOÀNG LÂN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Việt Nam nhộn nhịp bán đá thiên thạch siêu màu nhiệm  (27/02/2013)
Ghép tạng ở Việt Nam không thua kém so với thế giới  (27/02/2013)
Ứng dụng tiến bộ khoa học trong điều trị bệnh tim mạch  (26/02/2013)
Tàu Curiosity thấy bộ xương động vật lạ trên Sao Hỏa  (26/02/2013)
Từ bỏ thuốc lá có lợi như thế nào đối với sức khỏe?  (26/02/2013)
Phát hiện lục địa cổ bên dưới Ấn Độ Dương  (25/02/2013)
Số người nhiễm HIV có chiều hướng tăng  (24/02/2013)
3,92% trẻ em 8-10 tuổi mắc bướu cổ  (24/02/2013)
Châu Âu lập trung tâm theo dõi thiên thạch  (24/02/2013)
Tại sao phụ nữ nói nhiều hơn đàn ông?  (23/02/2013)
Viết cho con trai  (23/02/2013)
Dẫn đường cho trẻ khiếm thị  (22/02/2013)
UNESCO nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếng mẹ đẻ  (22/02/2013)
Thuốc nhuộm tóc + khói thuốc lá = ung thư  (21/02/2013)
Việt Nam sắp phóng vệ tinh hơn 70 triệu USD  (21/02/2013)