|
Với phương châm “còn nước còn tát”, các y bác sĩ luôn hết mình với từng ca bệnh nguy kịch. Ảnh: N.V.T |
Chính giữa lúc tính mạng bệnh nhân treo lơ lửng nơi lằn ranh sinh - tử, các y bác sĩ càng nỗ lực hết mức để giành lấy mạng sống của họ từ bàn tay tử thần. Ấy là lúc sự sống trở nên quý giá hơn bao giờ hết…
Thoát khỏi tử thần
Ngày 27.9.2012, khoa Nhi, BVĐK tỉnh tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Công Khanh, 10 tuổi, ở TP Quy Nhơn, bị sốt xuất huyết Dengue nặng, biến chứng viêm phổi, tràn dịch màng phổi phải, sốc nhiễm trùng và suy đa phủ tạng. Khi vào viện, bệnh nhân khó thở, vật vã, mạch nhanh, huyết áp thấp, thiểu niệu (tình trạng dung lượng nước tiểu thấp). Ngay lập tức, bệnh nhân được đặt nội khí quản thở máy, dùng 3 loại thuốc vận mạch.
Đến 16 giờ ngày 29.9, bệnh nhân được chuyển sang khoa Hồi sức cấp cứu (HSCC) Nội trong tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan, suy thận cấp và được các bác sĩ hồi sức tích cực, lọc máu liên tục trong 27 giờ. Sau khi điều trị ổn định 1 tháng tại đây, bệnh nhân lại được chuyển về khoa Nhi điều trị tích cực tiếp 1 tháng nữa mới xuất viện.
Trước đó 12 ngày, bệnh nhân Nguyễn Quốc Đại, 15 tuổi, cũng ở TP Quy Nhơn được đưa vào khoa HSCC Ngoại trong tình trạng khó thở, mạch nhanh, huyết áp thấp, thiểu niệu. Bác sĩ thăm khám chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng. Sau khi phát hiện bệnh nhân bị viêm phúc mạc do viêm ruột thừa vỡ mủ, các bác sĩ đã cho đặt nội khí quản thở máy, dùng thuốc vận mạch liều cao. Khi chuyển sang khoa HSCC Nội, bệnh nhân được lọc máu liên tục, giảm liều lượng dùng thuốc vận mạch, sau đó tự thở ôxy qua nội khí quản. Đến 15 giờ ngày 18.9, bệnh nhân tỉnh lại, các chỉ số sinh hiệu ổn định, xét nghiệm sinh hóa cho kết quả bình thường và xuất viện sau đó gần nửa tháng.
“Với những ca bệnh nguy hiểm đến tính mạng, dù đã nói trước với người nhà để họ chuẩn bị tinh thần, chúng tôi vẫn luôn cố gắng làm tất cả để cứu sống bệnh nhân. Nhiều trường hợp quá nguy kịch, như bệnh nhân Công Khanh, từ Ban Giám đốc bệnh viện đến các bác sĩ trưởng, phó khoa Nhi đều qua khoa HSCC Nội để cùng hội chẩn, theo dõi và điều trị cho bệnh nhân”
Bác sĩ HUỲNH VĂN NHUẬN, Trưởng khoa HSCC Nội, BVĐK tỉnh |
Khoa HSCC Ngoại, BVĐK tỉnh là nơi điều trị cho nhiều bệnh nhân vô cùng nguy kịch. 22 giờ ngày 24.1.2012, khoa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Công Phước (22 tuổi, ở xã Cư An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) bị dao đâm thủng tim. Lúc được đưa vào viện, bệnh nhân đã ngừng thở, tim ngừng đập. Ngay lập tức, bệnh nhân được thở máy, đặt nội khí quản, dùng thuốc vận mạch, được ép tim ngoài lồng ngực. Sau khi bệnh nhân được đưa vào phòng mổ, các bác sĩ tiến hành hội chẩn trực tiếp trên bàn mổ, khẩn trương phẫu thuật khâu vết thương tim. 7 ngày sau, bệnh nhân đã tỉnh táo, đến ngày thứ 10 thì xuất viện.
Gần 10 tháng sau, khoa HSCC Ngoại lại tiếp nhận một trường hợp bị thủng tim khác. Đó là bệnh nhân Lê Anh Hùng, 22 tuổi, ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn. Bệnh nhân bị thủng tâm thất trái, vào viện trong tình trạng tức ngực, khó thở, suy hô hấp, suy tuần hoàn. 10 ngày sau khi được khâu vết thương tim, bệnh nhân hồi phục.
“Còn nước còn tát”
Hầu hết các trường hợp được đưa vào viện trong tình trạng ngừng thở, người nhà bệnh nhân đều sẵn sàng cho phương án xấu nhất. Dù vậy, với phương châm “còn nước còn tát”, các nhân viên y tế đều khẩn trương thực hiện cấp cứu, điều trị. “Với những ca bệnh nặng như thế, hoạt động điều trị phải tiến hành nhanh chóng, chính xác. Khi cần thiết, chúng tôi thực hiện hội chẩn trực tiếp ngay trên bàn mổ để kịp thời đưa ra phương án chữa trị nhanh nhất”, bác sĩ Nguyễn Văn Huấn, Trưởng khoa HSCC Ngoại, khẳng định.
Đối với các trường hợp suy đa phủ tạng, bệnh nhân được lọc máu càng sớm thì khả năng được cứu sống càng cao. Từ khi BVĐK tỉnh đưa vào sử dụng máy lọc máu liên tục, rất nhiều người đã được cứu sống trong cơn nguy kịch. Bên cạnh máy móc, trong điều trị các ca bệnh nặng, vai trò của điều dưỡng rất quan trọng. Họ liên tục theo dõi huyết áp, mạch, các dấu hiệu diễn biến của bệnh... cho đến khi người bệnh ngừng lọc máu.
Điều dưỡng Nguyễn Văn Duy, người nhiều lần thực hiện lọc máu liên tục cho các trường hợp nguy cấp, kể: “Khi có chỉ định của bác sĩ, tôi làm tất cả các xét nghiệm, chuẩn bị máy, test máy và gắn vào cho bệnh nhân, tiến hành lọc máu liên tục theo các thông số chỉ định. Cứ khoảng 2 giờ, tôi lại làm các xét nghiệm định kỳ, cứ 30 phút lại đo huyết áp, theo dõi diễn biến bệnh cho đến khi bệnh nhân ổn định, ngừng lọc máu. Trung bình, quá trình lọc máu cho một bệnh nhân mất khoảng 20 đến 28 giờ”.
|