|
Điều trị bệnh gan tại khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai. |
Hội Gan mật Việt Nam khuyến cáo, mặc dù trình độ hiểu biết của người dân về bệnh viêm gan B đã có chuyển biến, nhưng số người đến viện trong giai đoạn muộn không giảm (8.000-10.000 người/năm).
Phần lớn người dân chủ quan với bệnh
Đang làm vườn, anh T.T.T (53 tuổi) ở Sóc Sơn, Hà Nội bỗng nôn thốc toàn chất màu đen và ngất xỉu. Bệnh nhân được đưa vào khoa Cấp cứu - BV Bạch Mai và được chẩn đoán xơ gan. Kết quả xét nghiệm: Dương tính với virus viêm gan B. Gia đình tá hỏa vì từ trước tới nay anh T vẫn khỏe.
Nguy hiểm hơn, chị H.T.L (29 tuổi), ở huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng mang thai tháng thứ 7. Khi đi khám và làm thủ tục sinh con tại BV Phụ sản Hải Phòng, chị phải làm xét nghiệm máu. Sau xét nghiệm, bác sĩ thông báo chị L phải dùng thuốc kiềm chế virus viêm gan B ngay, nếu không sẽ nguy hiểm tới tính mạng cả mẹ và con. Chị L hoang mang nói: “Từ trước tới nay tôi không hề ốm, sao lại bị viêm gan B được?”.
Về vấn đề này, tiến sĩ Đinh Quý Lan - Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam cho biết, nguyên nhân chủ yếu làm cho bệnh viêm gan B có thể phát sinh biến hóa là do người bệnh không kịp thời phát hiện bệnh, không điều trị đúng lúc làm cho bệnh từ cấp tính phát triển thành mạn tính. Ngoài ra, bệnh nhân lạm dụng thuốc trong thời gian dài sẽ làm cho virus nhờn thuốc.
Đặc biệt, một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn là phần lớn không có triệu chứng gì. Bệnh nhân càng nhỏ tuổi, triệu chứng càng không rõ ràng. Tới khi đi khám, làm xét nghiệm mới phát hiện bệnh đã ở giai đoạn nặng, mạn tính: Gan to, các chức năng gan biến loạn.
Nên kiểm tra men gan định kỳ
Hàng năm, BV Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận gần 1.000 lượt bệnh nhân mắc các bệnh về gan, trong đó 60% người mắc viêm gan B (HBV), số còn lại bị viêm gan A-C-D-E, phần lớn trong số này chuyển mạn tính do điều trị muộn. Tại khoa Truyền nhiễm- BV Bạch Mai hàng năm cũng tiếp nhận điều trị cho hơn 300 bệnh nhân bị viêm gan B mạn tính.
Theo BS Trịnh Thị Ngọc Thủy - nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm, trong chuyên môn, viêm gan mạn tính có 2 loại: Viêm gan mạn tính tấn công và viêm gan mạn tính tồn tại. Viêm gan mạn tính tồn tại có thể chữa khỏi, nhưng viêm gan mạn tính tấn công sẽ chuyển thành xơ gan, ung thư gan nguyên phát.
Ở thời kỳ ủ bệnh (2-6 tháng), bệnh nhân không có triệu chứng gì đặc biệt. Thời kỳ khởi phát (1 tuần), bệnh sốt nhẹ, có hội chứng như cảm cúm, chán ăn, nước tiểu vàng sậm, phân nhạt màu, có thể đau tức nhẹ vùng hạ sườn phải. Thời kỳ toàn phát, bệnh nhân có vàng da, nhất là củng mạc mắt và niêm mạc dưới lưỡi, nước tiểu sậm màu, chán ăn, mệt lả (có hiện tượng như ốm giả vờ), phân nhạt màu, đau tức hạ sườn phải.
Điều nguy hiểm là trong viêm gan B, tỷ lệ bệnh nhân bị hôn mê gan cấp chiếm tới hơn 2%. Để giúp bệnh nhân viêm gan B phòng, điều trị bệnh, các bác sĩ chuyên về gan mật khuyên bệnh nhân nên đến bệnh viện kiểm tra men gan định kỳ, phối hợp với bác sĩ khống chế virus có hiệu quả, tránh bệnh tái phát làm suy chức năng gan. Ngoài ra, bệnh nhân cần tăng cường nghỉ ngơi, không lao động quá sức, tâm trạng thoải mái.
. Theo Dân Việt |