Sáng hôm qua 9-10, CHDCND Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên dưới lòng đất. Thông tin này được chính Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA công bố (và đánh giá là “đóng góp vào việc bảo vệ hòa bình và ổn định bán đảo Triều Tiên”).
Tuy nhiên đến nay mới chỉ được nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga xác nhận. Các nguồn tin tình báo của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật vẫn chưa xác nhận chuyện thử hạt nhân dù cùng đưa tin về các dư chấn khoảng 3,5-4,2 độ Richter tại khu vực Hwaderi, tỉnh Hamgyong ở biên giới phía đông bắc giáp với Trung Quốc. Nguồn tin của KCNA khẳng định cuộc thử hạt nhân đã “diễn ra an toàn và không gây ra rò rỉ hạt nhân”.
|
Binh sĩ Hàn Quốc tuần tra dọc rào vùng phi quân sự. Binh sĩ Hàn Quốc được đặt trong tình trạng báo động cao. Ảnh: Reuters
|
Các nguồn tin từ Nga cho rằng sức công phá của vụ thử này có thể ở mức từ 5-15 kiloton (kiloton là đơn vị tương đương sức nổ của 1.000 tấn TNT). Các nguồn tin Mỹ nói “vụ thử không đáng kể” trong khi Viện Địa chất và tài nguyên Hàn Quốc ước tính sức mạnh của vụ nổ chỉ từ 0,4-0,5 kiloton, cao nhất chỉ là 0,8 kiloton.
Hàn Quốc cắt viện trợ
Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun đã triệu tập cuộc họp Hội đồng an ninh quốc gia khẩn cấp và đặt quân đội trong tình trạng báo động. Hàn Quốc cũng đưa ra tuyên bố bảy điểm lên án cuộc thử nghiệm của CHDCND Triều Tiên là khiêu khích và không thể chấp nhận được. Ngoài ra, Hàn Quốc còn ra quyết định hoãn chương trình viện trợ khẩn cấp cho CHDCND Triều Tiên.
Tổng thống Roh Moo Hyun thậm chí còn lên tiếng cảnh báo Hàn Quốc có thể từ bỏ chính sách “Ánh dương” bấy lâu vẫn duy trì nhằm hòa giải giữa hai miền, ông cho rằng chính phủ của mình đã hết cơ sở để duy trì chính sách này trước áp lực quốc tế đòi thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với CHDCND Triều Tiên.
Hãng Yonhap của Hàn Quốc hôm qua cũng trích tuyên bố của ông Kim Seung Gyu, người đứng đầu cơ quan tình báo nước này, cho biết có khả năng CHDCND Triều Tiên có thể tiến hành cuộc thử hạt nhân thứ hai. Hãng tin Kyodo cho biết Chính phủ Nhật đã thành lập một lực lượng đặc biệt để phản ứng trước các báo cáo về vụ thử.
Phát biểu trong chặng dừng chân tại Seoul, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho rằng đó là hành động không thể tha thứ và kêu gọi Hội đồng Bảo an cùng hợp tác để đưa ra một nghị quyết cứng rắn về vấn đề này.
Nga đã triệu tập đại sứ CHDCND Triều Tiên đến để nhấn mạnh đây là bước đi phá vỡ chế độ không phổ biến hạt nhân. Sau đó, Nga ra tuyên bố kêu gọi Bình Nhưỡng quay lại với Hiệp ước không phổ biến hạt nhân.
Một nguồn tin Nga cho biết đại sứ Nga tại Bình Nhưỡng được thông báo về vụ thử hai giờ trước. Trung Quốc ra tuyên bố “phản đối” và kêu gọi CHDCND Triều Tiên chấm dứt mọi hành động có thể làm tình hình xấu đi hơn nữa.
Trong khi đó Nhà Trắng cho rằng đó là hành động khiêu khích, thách thức đối với cộng đồng quốc tế và kêu gọi Hội đồng Bảo an có hành động nhanh chóng, cụ thể về vấn đề này. Chính quyền Bush thậm chí còn kêu gọi ngừng cuộc bỏ phiếu đối với chức vụ tổng thư ký LHQ của ông Ban Ki Moon để tập trung vào vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
EU cũng tuyên bố rằng đó là hành động khiêu khích và kêu gọi Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán vô điều kiện.
Cổ phiếu châu Á sụt giá
Các loại cổ phiếu ở châu Á đã giảm giá mạnh do vụ thử hạt nhân. Tại Hàn Quốc, chỉ số KOSPI giảm 2,6%, trong khi các thị trường ở Nhật và Đài Loan nghỉ lễ hôm nay. Đồng won của Hàn Quốc cũng giảm giá mạnh, từ 949 xuống 963 won/ USD, bởi các nhà đầu tư bán tháo loại tiền này.
Trong khi đó, tỉ giá đồng yen cũng xuống mức thấp nhất trong tám tháng qua với mức 119,29 yen/USD. Các thị trường Hong Kong, Singapore, Sydney, Jakarta, Kuala Lumpur, Mumbai và Manila cũng bị sụt giảm nhẹ.
Vụ thử khiến giới đầu tư lo sợ về an ninh và mức độ giảm giá sẽ còn mạnh hơn nữa trong khi chờ đợi các bước hành động tiếp theo của Seoul, Washington, Bắc Kinh, Tokyo và Moscow.
Các loại tiền tệ khác của châu Á cũng xuống giá do các nhà đầu tư tìm đến USD vì lo ngại tình trạng bất ổn trong thời gian tới có thể ẩn chứa nguy cơ xấu cho khoản đầu tư bằng tiền tệ khu vực. Thị trường tài chính Hàn Quốc được dự đoán là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp đó là Nhật.
Ngay sau khi CHDCND Triều Tiên tiến hành thử vũ khí hạt nhân ngày 9-10, các thị trường chứng khoán, tài chính và hàng hóa trong ngày đã biến động khá mạnh do giới đầu tư cảm thấy bất an về tình hình an ninh khu vực và nguy cơ căng thẳng gia tăng.
Thị trường Hàn Quốc - nền kinh tế lớn thứ 10 trên thế giới - bị coi là dễ bị tổn thương trước những nguy cơ địa chính trị tiềm tàng ở CHDCND Triều Tiên. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc tuyên bố sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết, kể cả việc cung cấp thêm nguồn cung tiền mặt, để giữ ổn định các thị trường tài chính.
Tại Hongkong, Sydney và Singapore, các thị trường chứng khoán đều giảm lần lượt 1,19%, 0,76% và 1,18%. Các thị trường chứng khoán khác ở châu Á cũng giảm nhẹ, trong đó thị trường chứng Philippines giảm 0,32%, New Zealand giảm 0,1% và Malaysia giảm 0,09% vào cuối phiên ngày 9/10.
Chiến lược gia Y.K Chan thuộc Phillip Asset Management dự đoán các thị trường châu Á sẽ tiếp tục biến động trong một vài ngày tới. Trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 9-10, hầu hết các đồng tiền châu Á đều giảm giá so với đồng USD, trong đó đồng yen giảm xuống 119,28 yen/USD, sau khi đã có lúc giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng qua so với đồng USD.
Callum Henderson, phụ trách vấn đề tiền tệ ở Standard Chartered, cho rằng đồng won và đồng yen là hai đồng tiền dễ bị biến động giảm giá, thậm chí trong một vài ngày tới, trước những nguy cơ bất ổn ở bán đảo Triều Tiên.
Trên thị trường hàng hóa, giá dầu mỏ và giá vàng đều tăng trở lại. Giá dầu ngọt nhẹ tại Niu Yoóc đã tăng trên ngưỡng 60,46 USD/thùng, còn giá vàng tăng 1% lên 579,40 USD/ounce.
Nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc đã tỏ ý không tán thành vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên này và lo ngại về tình trạng mất ổn định trong khu vực.
Khả năng vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên
Trọng tâm chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đặt tại Yongbyon, cách thủ đô Bình Nhưỡng chừng 100km về phía bắc. Cơ sở này bao gồm một lò phản ứng hạt nhân 5 megawatt và một nhà máy tái chế plutonium cung cấp nguyên liệu chiết xuất cần thiết để sản xuất vũ khí từ những thanh nhiên liệu đã qua sử dụng.
Theo đánh giá của các chuyên gia và phân tích tình báo, CHDCND Triều Tiên đã chiết xuất đủ lượng nguyên liệu phân rã cần thiết từ cơ sở Yongbyon để sản xuất một hoặc hai vũ khí hạt nhân vào đầu thập niên 1990.
Theo các chuyên gia, thiết bị hạt nhân này dài khoảng 3,048m, nặng 4 tấn, quá to so với bất kỳ loại tên lửa nào mà Bình Nhưỡng hiện có (để gắn làm đầu đạn), nhưng nếu được kích hoạt ở trên chứ không phải là dưới mặt đất thì nó có thể phá hủy tất cả trong phạm vi 8km.
. Theo Reuters, BBC, Yonhap, CNN
Giáo sư Đại học New South Wales (Úc) Carlyle Thayer:
Quốc gia hạt nhân thứ tám
* Xin GS cho biết vì sao CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân?
- Vụ thử nhằm chỉ ra rằng CHDCND Triều Tiên có khả năng làm nổ một thiết bị hạt nhân. CHDCND Triều Tiên muốn (vấn đề của mình) được nghiêm túc xem xét trong các cuộc thương lượng cũng như muốn Mỹ cùng các nước khác đưa ra các nhượng bộ chính trị, kinh tế.
* Hậu quả của vụ thử đối với bán đảo Triều Tiên và toàn khu vực?
- Hệ quả tức khắc sẽ là sự căng thẳng chính trị bởi vấn đề đang được đưa ra HĐBA LHQ. CHDCND Triều Tiên đang đặt dấu chấm hết cho chính sách “Ánh dương” của Hàn Quốc. Vấn đề Bình Nhưỡng có thể cũng sẽ được đặt ra ở tất cả cấp độ quốc tế thích hợp, trong đó có Diễn đàn khu vực ASEAN và APEC.
Bình Nhưỡng có thể bị tổn thương bởi cuộc phong tỏa biển và hàng không. Nhưng một giải pháp quân sự không phải là một chọn lựa thích hợp, vì vậy rốt cuộc sẽ là sự trở lại với ngoại giao và những cuộc mặc cả khó khăn.
* Xin GS dự báo những diễn tiến nghiêm trọng nhất có thể xảy ra sau vụ thử?
- Vụ nổ đã xé thêm một lỗ hổng trong chế độ không phổ biến hạt nhân. Nay CHDCND Triều Tiên đã trở thành cường quốc hạt nhân thứ tám, dù chưa biến nó thành vũ khí. Hành động của họ sẽ kích động một cuộc trang bị vũ khí để tự vệ trước tên lửa đạn đạo.
Trong kịch bản xấu nhất, Nhật có thể quyết định phát triển vũ khí hạt nhân như một phương tiện ngăn chặn và lần lượt cổ vũ cả Hàn Quốc, Đài Loan làm tương tự. Như thế, vai trò bảo đảm an ninh của Mỹ ở châu Á sẽ bị sụt giảm, bởi Mỹ trước nay đề nghị bảo vệ các nước này bằng vũ khí hạt nhân của mình.
Vụ thử cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bình Nhưỡng hạn chế thế nào, khiến Trung Quốc có thể bị áp lực cắt chuyên chở dầu và viện trợ thực phẩm cho Bình Nhưỡng. Cuộc khủng hoảng sẽ khuyến khích nhiều nước, từ Iran tới Myanmar, kháng cự áp lực từ cộng đồng quốc tế buộc họ thay đổi chính sách nội địa. LHQ có thể bị yếu đi nghiêm trọng nếu không đối phó hiệu quả cuộc khủng hoảng này.
. Theo TTO | |