Năm 2006 là mùa bội thu giải thưởng Nobel đối với giới khoa học Mỹ. Ngày 9-10, Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển trao giải Nobel kinh tế cho nhà kinh tế học người Mỹ - giáo sư Edmund Phelps (ảnh) nhờ nghiên cứu về chính sách kinh tế vĩ mô.
Công trình nghiên cứu giúp giáo sư Phelps được vinh danh là phân tích về xu hướng giá cả và tiền lương dựa trên dự báo về tỉ lệ lạm phát và thất nghiệp. Nói một cách đơn giản, phân tích của giáo sư Phelps chỉ ra lạm phát thấp ở mức độ nhất định dẫn đến những dự báo về lạm phát thấp trong tương lai, qua đó ảnh hưởng đến chính sách của nhà nước và các công ty.
Giáo sư Phelps cũng là người tiên phong trong việc nghiên cứu tầm quan trọng của nguồn nhân lực đối với sự phổ biến công nghệ mới và tăng trưởng trong kinh doanh.
Giáo sư Phelps, 73 tuổi, là người Mỹ thứ sáu giành giải Nobel năm nay. Tên tuổi của ông đã được biết đến trên toàn thế giới từ thập niên 1960 nhờ những nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế khi ông còn làm việc ở Trường ĐH Yale. Hiện giáo sư Phelps đang giảng dạy và nghiên cứu tại ĐH Columbia ở New York.
Giải Nobel kinh tế, như mọi người thường gọi, có tên chính thức là “Giải thưởng khoa học kinh tế của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel”. Đây là giải thưởng do Ngân hàng Thụy Điển lập ra vào năm 1968, và là “giải Nobel” duy nhất được hình thành không phải xuất phát từ tâm nguyện của Alfred Nobel 111 năm trước đây.
. Theo Reuters, AP |