|
Tổng thống Bush vẫn duy trì thái độ cứng rắn và từ chối đàm phán song phương với CHDCND Triều Tiên. |
Dự thảo mới của Mỹ có những lời lẽ mềm mỏng hơn về kiểm tra các tàu hàng và cấm vận tài chính đối với Bình Nhưỡng nhưng bổ sung việc cấm đi lại đối với những người ủng hộ các chương trình vũ khí của CHDCND Triều Tiên, nhằm đạt được sự chấp thuận của Nga và Trung Quốc.
Phía Mỹ hi vọng dự thảo sẽ được thông qua vào hôm nay (13-10), trong khi Trung Quốc vẫn cho rằng lệnh cấm vận không nên nhằm “trừng phạt” CHDCND Triều Tiên mà chỉ nên hướng đến một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng và kêu gọi các bên ngồi lại vào bàn đàm phán.
Hiện tại Mỹ, Nhật muốn lệnh trừng phạt sẽ dựa trên chương 7 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, trong khi cả Trung Quốc và Nga chỉ muốn giới hạn ở điều khoản 41 ở chương 7, theo đó sẽ loại trừ các biện pháp quân sự.
CHDCND Triều Tiên hôm qua cũng lên tiếng sẽ có những biện pháp trả đũa mạnh mẽ đối với Nhật nếu nước này áp dụng các biện pháp trừng phạt mới về cấm tàu thuyền của CHDCND Triều Tiên cập bến và các hoạt động giao thương giữa hai nước. Mỹ cũng tỏ ra cứng rắn khi Tổng thống Bush tuyên bố Mỹ sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để “bảo vệ các bạn bè và lợi ích của mình trong khu vực”.
Hôm qua, khối ASEAN đã tuyên bố phản đối việc CHDCND Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân. Ngoại trưởng Philippines Alberto Romulo - chủ tịch ASEAN năm nay - còn tuyên bố ASEAN kêu gọi Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán sáu bên, đồng thời nhấn mạnh "tầm quan trọng của đối thoại giữa các bên đối với giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân". Philippines sẽ đăng cai hội nghị thượng đỉnh thường niên của các nhà lãnh đạo ASEAN và các đối tác đối thoại, trong đó có cả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tại Cebu vào tháng mười hai tới. Các quan chức cho hay cuộc khủng hoảng hạt nhân sẽ là một trong những chủ đề chính được thảo luận tại hội nghị lần này.
. Theo Reuters, AP, Yonhap |