Người Mỹ trở lại mặt trăng
16:46', 20/10/ 2006 (GMT+7)

Người bật đèn xanh cho sự trở lại hoành tráng của người Mỹ trên mặt trăng không ai khác hơn là Tổng thống George W. Bush. Ngày 14-1-2004, ông đến tổng hành dinh của NASA - Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ, công bố kế hoạch “Tầm nhìn thám hiểm không gian vũ trụ” trong đó, ông chỉ thị cho NASA phải hoàn tất, việc lắp ráp Trạm Không gian quốc tế (ISS) và cho các tàu con thoi “về hưu” chậm nhất vào năm 2010. Sau đó, NASA cần phải chế tạo tàu vũ trụ mới thay thế tàu con thoi để đưa người lên ISS và lên cung trăng. Mục tiêu lâu dài của Mỹ là bay tới sao Hỏa.

 

 Mô hình tàu LL của Mỹ.

Ông Bush còn chỉ đạo NASA chuẩn bị phóng một con tàu thăm dò không người lái lên cung trăng trong vòng 4 năm để lập bản đồ tài nguyên và bổ sung những hiểu biết về môi trường sống ở mặt trăng. Điều này vô cùng cần thiết cho các nhà du hành vũ trụ tương lai của Mỹ khi ở trên đó lâu dài. Ông yêu cầu quốc hội chi thêm 1 tỉ USD cho ngân sách của NASA trong vòng 5 năm tới để thực hiện chương trình thám hiểm mặt trăng mới.

Kế hoạch Apollo 2.0

Theo chỉ đạo của tổng thống, ngày 19-9-2005, NASA chính thức công bố kế hoạch thám hiểm mặt trăng mới chuẩn bị từ tháng 4-2005 mà nhiều người mệnh danh là “Apollo 2.0”. Kế hoạch này có 2 giai đoạn. Thứ nhất, năm 2008, NASA sẽ phóng tàu thám thính mặt trăng từ quỹ đạo (LRO). Tàu này sẽ chụp ảnh với độ nét cao toàn bộ mặt đất mặt trăng. LRO cũng mang theo vệ tinh quan sát miệng núi lửa mặt trăng (LCROSS).

Vệ tinh này sẽ lao xuống mặt trăng tại khu vực miệng núi lửa Shackleton tạo một lỗ sâu 4,8 mét và bắn lên không trung những mảnh vụn đất mặt trăng để một con tàu thứ hai trang bị những thiết bị cảm ứng và máy chụp ảnh đang bay gần đó thu thập các dữ liệu đưa về mặt đất. Mục đích của việc này là điều tra xem có nước hay không. Đây là một điểm hết sức hệ trọng bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến giai đoạn đưa người lên mặt trăng ở dài ngày vào năm 2018.

Mike Griffin, Giám đốc NASA, mô tả chương trình chinh phục mặt trăng mới nói trên là “sứ mệnh tốt nhất của NASA trong 40 năm qua”. Vấn đề là chương trình này cũng sẽ tốn kém nhất. Theo Griffin, từ nay đến ngày đưa người lên cung trăng vào năm 2018, NASA cần 104 tỉ USD, tức nhiều hơn chương trình Apollo 50%. Quốc hội Mỹ xưa nay vẫn ủng hộ hết mình các chương trình đưa người lên mặt trăng băn khoăn: Tiền ở đâu ra? Chi phí chiến tranh ở Iraq không ngừng gia tăng và Mỹ vừa trải qua cơn bão Katrina khủng khiếp.

Cái đinh của chương trình thám hiểm mặt trăng mới của NASA là một tàu thám hiểm chở phi hành đoàn, gọi tắt là CEV, có thể chở đến 6 phi hành gia lên trạm ISS hoặc 25 tấn hàng nếu không chở người. NASA hy vọng sẽ phóng chiếc CEV đầu tiên vào năm 2012, ngay sau khi kết thúc chương trình tàu con thoi năm 2010.

Griffin mô tả tàu CEV sẽ có mặt đáy rộng khoảng 5,5 mét và cao 3,9 mét như tàu Apollo. CEV chỉ nặng hơn Apollo chừng phân nửa nhưng chở gấp đôi người, có thể bay trên quỹ đạo mặt trăng 6 tháng. Giám đốc NASA cho biết thêm: “CEV an toàn hơn tàu con thoi, hoạt động độc lập, chở được 4 người, có thể bay trở về trái đất (hạ cánh xuống mặt đất hoặc biển) và tái sử dụng nhiều lần. Chi phí nghiên cứu và chế tạo CEV ước tính vào khoảng 5,5 tỉ USD”.

Lập tiền đồn

Phi vụ đưa người lên mặt trăng, theo kế hoạch, sẽ được thực hiện vào năm 2018. Kịch bản đã được duyệt sẽ được tiến hành như sau: Đầu tiên, tàu đổ bộ mặt trăng (LL) sẽ được phóng lên quỹ đạo trái đất bằng tên lửa thế hệ mới. Kế tiếp, tàu CEV chở 4 phi hành gia sẽ được phóng lên quỹ đạo trái đất bằng một tên lửa thế hệ mới khác. Sau khi kết nối với tàu LL, 4 nhà phi hành sẽ qua tàu LL bay vào quỹ đạo mặt trăng rồi thực hiện cuộc đổ bộ lên mặt trăng ở bất cứ nơi nào (đây là khác biệt rất lớn so với chương trình Apollo). Chiếc CEV ở lại trên quỹ đạo trái đất một mình.

Các phi hành gia sẽ lập một trạm công tác - một thứ tiền đồn - trên mặt trăng dự kiến đặt ở Nam cực nơi các nhà khoa học tin rằng có nhiều khí hydrogen và có cả nước dưới dạng băng. Họ cũng sẽ dùng xe thám hiểm các vùng chung quanh trạm. Sau khi ở lại từ 4 đến 7 ngày, phi hành đoàn sẽ dùng tàu LL bay trở lại quỹ đạo trái đất. Họ sẽ trở vào chiếc CEV để bay về trái đất và hạ cánh bằng dù ở miền Tây nước Mỹ.

Một trong những lý do người Mỹ trở lại mặt trăng là chứng minh rằng con người có thể “sống ngoài hành tinh” bằng cách dùng tài nguyên trên mặt trăng để sản xuất nước ngọt, nhiên liệu và một số nhu yếu phẩm khác. Đó là những thứ tối cần thiết và tối quan trọng để thực hiện những chuyến bay dài ngày đến sao Hỏa (có thể là 500 ngày).

Griffin nhấn mạnh rằng, chương trình tái ngộ mặt trăng lần này của NASA cho phép Mỹ lập một căn cứ thường trực trên mặt trăng trong khi chuẩn bị các chuyến thám hiểm sao Hỏa và các hành tinh khác xa hơn. Kế hoạch này của NASA, dự kiến, mỗi năm Mỹ sẽ thực hiện 2 chuyến đổ bộ lên mặt trăng và có thể kéo dài sự hiện diện của người Mỹ trên đó mỗi lần đến 6 tháng.

Như vậy, sau nhiều thập kỷ tạm lắng, trong 2 thập kỷ tới người ta sẽ chứng kiến thời hoàng kim mới của cuộc chinh phục mặt trăng. Lần này ngoài sự trở lại hoành tráng của người Mỹ, châu Á cũng sẽ góp mặt với những chương trình không kém phần táo bạo so với thực lực của mình. Rồi đây Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, thậm chí cả Malaysia cũng sẽ có công dân của mình trên đất chị Hằng.

. Theo Discovery, NLĐO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Uzbekistan: Tai nạn máy bay, 15 người thiệt mạng  (20/10/2006)
CHDCND Triều Tiên sẽ thử hạt nhân ngày 7-11 ?  (20/10/2006)
Thủ phạm sát hại sinh viên Vũ Anh Tuấn phải bị trừng trị nghiêm khắc  (20/10/2006)
Panama: 26 người chết vì thuốc giả  (19/10/2006)
Serbia: Nổ kho đạn, 10 người bị thương  (19/10/2006)
Abkhazia đề nghị Nga công nhận nhà nước độc lập  (19/10/2006)
Anh là mục tiêu hàng đầu của al Qaeda  (19/10/2006)
Một cơ hội đã bị từ chối  (19/10/2006)
Indonesia: 3 ngày, 3 người chết vì H5N1  (19/10/2006)
Hơn 23 triệu người đứng suốt 24 giờ để... chống nghèo  (19/10/2006)
Israel sử dụng vũ khí công mới tại Gaza?  (18/10/2006)
Người đoạt giải Nobel hòa bình sẽ tham gia vào chính trường?  (18/10/2006)
Sri Lanka: Những con Hổ Tamil tấn công bến cảng Galle  (18/10/2006)
Tây Ban Nha, Bulgaria triệt phá đường dây buôn người lớn  (18/10/2006)
Mexico: Nổ tàu chở dầu, 8 người thiệt mạng  (18/10/2006)