Ngày 21-10, Tổng thống Mỹ George W.Bush đã triệu tập các tướng lĩnh và cố vấn cao cấp nhất để tìm giải pháp đối phó với tình hình ngày một xấu đi tại Iraq.
Cuộc họp kéo dài 3 tiếng diễn ra vào thời điểm các vụ tấn công nhằm vào binh lính Mỹ lên đến đỉnh điểm kể từ tháng 3.2003, và có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử sắp tới. Tuy nhiên, ông Bush đã một lần nữa loại trừ khả năng có thay đổi căn bản về chiến lược hay rút quân sớm khỏi Iraq. Phát biểu trên đài truyền thanh hôm thứ bảy, ông Bush nói: "Chúng ta sẽ không rút quân khỏi chiến trường chừng nào nhiệm vụ chưa hoàn thành".
|
Tổng thống Mỹ George W.Bush chắc chắn không muốn chiến tranh Iraq sẽ chia sẽ nước Mỹ như chiến tranh Việt Nam.
|
Chỉ có một điều chỉnh chiến thuật được "nội các chiến tranh" của ông Bush xem xét là kế hoạch bố trí lại lực lượng bảo vệ Baghdad. Đề cập vấn đề này, lần đầu tiên ông Bush so sánh tình hình Iraq hiện nay với chiến tranh VN. Nhà Trắng sau đó đã nhanh chóng "nói lại cho rõ" rằng ông Bush chỉ cho rằng việc gia tăng các vụ tấn công gần đây là một chiến dịch nhằm bẻ gãy ý chí của người dân Mỹ, giống như cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968 ở VN.
Nhà Trắng cũng bác bỏ tin ngày 21.10 của Báo The New York Times rằng Mỹ đang soạn thảo kế hoạch bàn giao cho Chính phủ Iraq nhiệm vụ bảo vệ an ninh đất nước. Hiện nay, người Iraq chỉ kiểm soát được an ninh của 2 trong số 18 tỉnh mà không cần chi viện của quân đội Mỹ.
Tại sao không phải là một cuộc chiến khác?
Không phải vô cớ mà Tổng thống Mỹ Bush so sánh tình hình Iraq hiện tại với tình trạng của quân đội Mỹ ở Việt Nam khi xưa và có ý định điều chỉnh chiến lược, chiến thuật của Mỹ ở Iraq.
Điều thứ hai là một hệ quả của điều thứ nhất. Với sự so sánh này, ông Bush đã phần nào phải công nhận những ai trước đó đã dùng sự so sánh để chỉ trích ông Bush đã có lý và đã chính thức thú nhận thực trạng hiện tại ở Iraq và tình thế bế tắc của Mỹ ở Iraq. Vì thế, để tránh những tác động nội bộ như thời cuộc chiến tranh Việt Nam và để tránh cái kết cục mà Mỹ đã phải chấp nhận trong cuộc chiến tranh Việt Nam, ông Bush và cộng sự phải tính đến chuyện điều chỉnh chiến lược và sách lược ở Iraq.
Theo những suy tính mới này thì phương thuốc thánh đối với Mỹ hiện tại không phải là triệt thoái quân đội Mỹ và đồng minh khỏi Iraq, không phải phó mặc cho các nhóm phái ở Iraq mặc sức chống phá lẫn nhau hay hợp tác với nhau, cũng không phải tăng cường các hoạt động quân sự và kiểm soát hay thay ngựa giữa đường, mà là ép buộc bộ máy chính quyền Iraq phải hoạt động hiệu quả hơn về phương diện kiểm soát tình hình ổn định và an ninh, nếu không sẽ bị “phạt", cho dù hiện vẫn chưa biết cụ thể các biện pháp trừng phạt ấy là gì.
Bản chất những dự định điều chỉnh chính sách đó không phải là cái gì khác ngoài ý định “Iraq hóa" chiến sự ở Iraq và toàn bộ “vấn đề Iraq sau chiến tranh" trong khi quân đội Mỹ và đồng minh vẫn chiếm đóng Iraq. Bằng cách đó vừa có thể đẩy các nhóm phái Iraq và đặc biệt là Chính phủ Iraq đứng ra giơ đầu chịu báng trước hết thay cho quân đội Mỹ và đồng minh chiếm đóng Iraq lại vừa có để đổ vấy mọi nguyên cớ gây mất an ninh, ổn định và bạo loạn sang cho phía người Iraq. Xem ra, ông Bush và cộng sự nhằm đối phó với cuộc bầu cử đầu tháng 11 tới ở Mỹ nhiều hơn là thực sự nhằm giải thoát cho Mỹ khỏi tình thế khó khăn hiện tại ở Iraq.
. Theo AP, Reuters, TNO
Một báo cáo điều tra dư luận của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, phần lớn thanh niên Iraq tin rằng tình hình an ninh sẽ trở nên tốt hơn và bạo lực sẽ giảm xuống nếu như liên quân do Mỹ cầm đầu rút khỏi Iraq. Kết quả nghiên cứu này mặc dù không được coi là mật nhưng đã được đánh dấu "Chỉ dành cho nhân viên chính phủ". Báo cáo cho biết một số lượng lớn thanh niên Iraq trong độ tuổi từ 15 - 29 tại hai khu vực Mosul và Tikrit-Baquba phản đối việc tham gia quân đội hoặc cảnh sát Iraq. Điều này cho thấy giới chức Iraq chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc chiêu mộ các tân binh dòng Hồi giáo Sunni tham gia vào lực lượng an ninh. |
|