Nhận diện nền kinh tế CHDCND Triều Tiên
17:0', 24/10/ 2006 (GMT+7)

Trước một CHDCND Triều Tiên tách biệt với thế giới bên ngoài, rất ít người có thể hình dung được cuộc sống hiện tại của người dân nước này ra sao, và để đánh giá được khả năng thực sự của nền kinh tế nước này cũng là một điều khó khăn.

Tại một nhà trẻ tại Hyangsan, một thị trấn nhỏ gần thủ đô Bình Nhưỡng, hàng chục em nhỏ mặc quần áo sặc sỡ trình diễn bài thể dục mềm dẻo chào đón các vị khách từ Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ đến thăm CHDCND Triều Tiên hồi đầu tháng 10.

Ông Jean-Pierre, người đứng đầu chương trình này ở CHDCND Triều Tiên, miêu tả ''bọn trẻ, bụng đã no nê cháo ngô và bánh bích quy giàu protein được cung cấp hàng ngày bởi cơ quan cứu trợ, thực hiện các động tác nhảy, kéo dãn cơ một cách nhanh nhẹn. Trông chúng thật khoẻ mạnh''. Ông nói, mấy đứa trẻ ở những hàng đầu tiên trông đặc biệt khoẻ mạnh, còn những đứa ở cách 20-30 thước thì không được trải chuốt và ăn mặc đẹp bằng.

Ông DeMargerie nói: “Rất khó để có cái nhìn chính xác. Người CHDCND Triều Tiên không muốn phô ra những người có vẻ ốm yếu. Bạn chỉ có thể tự mình phỏng đoán trên cơ sở một số ít người.”

CHDCND Triều Tiên là một trong những quốc gia bị tách biệt nhất trên thế giới và là một xã hội khó có thể hiểu được ngay cả đối với một số ít người nước ngoài thường xuyên đến thăm nước này. Liệu nó đang đứng trước nguy cơ sụp đổ nền kinh tế hay vẫn kiên cường đứng vững sau hàng thập kỷ chịu nhiều tai ương và nghèo đói thì vẫn chỉ là một sự phỏng đoán.

 

Một góc thủ đô Bình Nhưỡng  (Pyongyang).

 

Mọi thứ đều mơ hồ

Tấm màn bí mật che phủ nước CHDCND Triều Tiên khiến cho việc đánh giá liệu các lệnh trừng phạt giới hạn mà Liên Hợp Quốc đang áp dụng lên nước này sau vụ thử hạt nhân hôm 9 tháng 10 có gây nên tác động nào không đối với chính quyền ông Kim Jong II là điều gần như không thể.

Chính quyền Bush hy vọng các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là từ Trung Quốc - nước có quan hệ thương mại và đầu tư chủ yếu của CHDCND Triều Tiên, sẽ khiến ông Kim phải ngừng chương trình hạt nhân của mình và ngồi lại bàn đàm phán tìm kiếm một giải pháp mang tính ngoại giao.

Hôm 21/10, ngoại trưởng Mỹ Condoleezaza Rice nói: “Tôi cho rằng họ (người CHDCND Triều Tiên) đã ngạc nhiên trước việc tất cả các nước trong Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đều bỏ phiếu tán thành lệnh trừng phạt. Chúng ta sẽ thấy liệu họ đã chuẩn bị sẵn sàng hay chưa.”

Ông DeMargerie và một số người khác - những người hay tới thăm CHDCND Triều Tiên gần đây – nói rằng nước này đang khá hơn rất nhiều so với cách đây một vài năm và có thể chịu được lệnh trừng phạt.

Lệnh trừng phạt có thể giảm lượng ngoại tệ mạnh mà CHDCND Triều Tiên nhận được, nhưng những cải cách thị trường diễn ra từ năm 2002 và việc dự trữ những khoản tiền dôi ra, cứu trợ lương thực và nhiên liệu có thể giúp ông Kim có được chỗ dựa để thách thức Liên Hợp Quốc.

Vào năm 2005, CHDCND Triều Tiên “nhận được một khối lượng gạo khoảng nửa triệu đến 600.000 tấn” từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Có vẻ là phần lớn trong số đó đều được đưa vào kho dự trữ. Năm nay CHDCND Triều Tiên cũng thu được một vụ mùa khá sau hai vụ mùa bội thu liên tiếp. Ông Kenneth Quinones, cựu chuyên gia tình báo Mỹ về CHDCND Triều Tiên cho biết như vậy. Ông Quinones hiện cũng giảng dạy tại trường Đại học Quốc tế Akita ở Nhật Bản.

Marcus Noland, một chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Kinh tế Quốc tế ở Washington cho biết, hàng triệu đô-la đầu tư của Trung Quốc đổ vào CHDCND Triều Tiên trong 6 tháng đầu năm 2006, tức là nhiều hơn cả khả năng mà nước này có thể sử dụng.

Đối với ông Steve Linton, 56 tuổi, người đã thực hiện hơn 50 chuyến đi đến CHDCND Triều Tiên trong 15 năm qua, những dấu hiệu tiến bộ ở nước này là điều có thể thấy rõ. Ông Linton là con cháu của những nhà truyền giáo đạo Thiên chúa, và hiện đang là người đứng đầu Quỹ Eugene Bell. Quỹ này đã phân phát các thiết bị y tế cho khoảng 70 bệnh viện trên khắp đất nước CHDCND Triều Tiên.

Ông Linton lại tới thăm CHDCND Triều Tiên vào tháng năm vừa qua. Ông nói rằng, ngày trước, mọi người ở đây thường rõ ràng là trông gầy hơn vào mùa xuân, khi mà thực phẩm của năm trước đã hết và vụ mùa mới mới sắp sửa bắt đầu. Nhưng hiện giờ, “điều dễ nhận thấy đó đã gần như biến mất” – ông cho biết.

Ông Linton cũng nhận ra rằng người CHDCND Triều Tiên hiện nay ăn mặc tươm tất hơn trước và ở nước này đã có nhiều xe đạp hơn. Cách đây 10 năm, hầu như ai cũng đi bộ. “Đó không phải là một tốc độ thay đổi chóng mặt, nhưng là dần dần.” – ông nói.

 

Đường phố ở Bình Nhưỡng rộng rãi, thoáng, trật tự và khá đẹp.

 

Thị trường đang nổi

Simon Cockerell, giám đốc công ty Koryo Tours - một công ty lữ hành có trụ sở tại Bắc Kinh và tổ chức các chuyến đi tới CHDCND Triều Tiên - cho biết thủ đô Bình Nhưỡng cách đây 10 năm là một thành phố ảm đạm với những nhà cao tầng bằng bê-tông xám ngắt và hầu như chẳng có một hoạt động thương mại nào, giờ đây đã có vài chục cửa hàng và nhiều quầy bán kem, bánh, hoa và thậm chí cả băng video trên vỉa hè.

Ông Cockerell nói ở đó có 4-5 biển quảng cáo ô tô, những dấu hiệu của quảng cáo thương mại đầu tiên của đất nước này. Ông cũng cho biết, ở thủ đô Bình Nhưỡng, mất điện trước đây là chuyện cơm bữa, nhưng giờ đây cũng hiếm xảy ra.

Những điểm tựa của nền kinh tế

Hệ thống phân phối lương thực quốc doanh đã được đưa trở lại hoạt động. Hệ thống này phân phối gạo, ngô mỗi ngày cho cư dân thành phố, thành phần chiếm 70% trong tổng số 22 triệu dân của CHDCND Triều Tiên.

DeMargerie cho biết các quan chức CHDCND Triều Tiên đã nói với tổ chức của ông rằng việc cung cấp khẩu phần lương thực đã bị ngưng hồi nạn đói đầu những năm 90, đã được đưa trở lại hoạt động vào năm ngoái. Hệ thống này cung cấp ngô hoặc gạo để người dân nấu cháo - khẩu phần chính trong bữa ăn hàng ngày của người dân CHDCND Triều Tiên.

Nguồn cung cấp dầu mỏ đa dạng: Theo ông Quinones, Trung Quốc cung cấp khoảng 80% nhiên liệu ở CHDCND Triều Tiên, Iran và Indonesia cung cấp phần còn lại. Như vậy, nếu Trung Quốc có doạ hạn chế cung cấp nhiên liệu thì CHDCND Triều Tiên cũng vẫn còn những nguồn cung cấp khác. Noland nói rằng, CHDCND Triều Tiên cũng có thể đã dự trữ nhiên liệu diesel mà Hàn Quốc cung cấp hồi năm 2004.

Hè năm ngoái Noland đã ở Trung Quốc trong một vài tuần và ở ngay cạnh biên giới dài 880 dặm với CHDCND Triều Tiên. Noland nói rằng tiến bộ trong nền kinh tế của CHDCND Triều Tiên có thể thấy rõ trong một bộ phận doanh nhân. Đó là những người quản lý các nhà máy quốc doanh mua bán than cốc, than đá và quặng sắt để đổi lấy hàng tiêu dùng và lương thực giá rẻ của Trung Quốc, rồi bán lại cho người dân CHDCND Triều Tiên.

“Rất nhiều hoạt động quy mô nhỏ ở CHDCND Triều Tiên được thực hiện bởi các doanh nghiệp quốc doanh. Họ đã biến mình thành những nhà bán lẻ.” – Noland nói. Ông còn gọi đó là sự “bán lẻ hoá” nền kinh tế CHDCND Triều Tiên.

 

Một ga tàu điện ngầm ở Bình Nhưỡng.

 

Những vấn đề còn tồn tại

Mặt tiêu cực theo ông Nam Sung Wook, trưởng khoa Nghiên cứu CHDCND Triều Tiên tại Đại học tổng hợp Hàn Quốc ở Seoul, đó là giao dịch thương mại với Trung Quốc năm nay đã giảm xuống 30% (so với giá trị 1,5 tỉ USD giao dịch thương mại vào năm ngoái) do những khó khăn trong việc chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng của CHDCND Triều Tiên. Vấn đề này xuất phát từ việc năm ngoái Mỹ đã thực hiện phong toả các tài khoản của CHDCND Triều Tiên trong một ngân hàng tại đặc khu kinh tế Macao của Trung Quốc do Mỹ cho rằng CHDCND Triều Tiên có thực hiện các hoạt động làm tiền giả và rửa tiền.

Ông Nam nói: “Những người buôn bán ở Dangdong cũng có chút lo lắng”. Dandong là một thành phố của Trung Quốc nằm trên biên giới giữa Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên, có con sông Yalu từ CHDCND Triều Tiên chảy qua. Nơi này đã trở thành trung tâm giao dịch thương mại giữa hai nước. Ông Nam còn dự đoán rằng sau mức tăng trưởng kinh tế 2,2% vào năm ngoái, tăng trưởng kinh tế CHDCND Triều Tiên năm nay cũng không mấy khả quan. Nhưng ngay cả như vậy thì những lệnh trừng phạt mới “cũng không làm sụp đổ được nền kinh tế CHDCND Triều Tiên” – ông nói.

Theo ông Nam, những người sẽ gặp phải nhiều khó khăn nhất do lệnh trừng phạt là những người làm công ăn lương ở thành phố. Tháng 7 vừa qua ông tới thăm Bình Nhưỡng và nói rằng ông có nghe thấy những lời phàn nàn từ các giáo sư và giới các nhà khoa học có thế lực ở nước này. Lương tháng trung bình của những người này là vào khoảng 33 USD theo tỉ giá hối đoái chính thức, nhưng trên chợ đen chỉ có giá trị 5 USD.

Nhu cầu về cơ sở hạ tầng của CHDCND Triều Tiên cũng rất lớn, khiến cho việc duy trì tăng trưởng kinh tế là rất khó khăn. DeMargerie nói chỉ 20-25% hộ gia đình ở đây được tiếp cận với nước máy sạch, và hệ thống vệ sinh đang ngày càng đe doạ nghiêm trọng sức khoẻ người dân.

Tuy nhiên, Noland vẫn dự đoán, “người dân CHDCND Triều Tiên có thể sống được qua mùa đông. Họ đang chuẩn bị và tin rằng họ có thể sống sót đến khi thế giới chấp nhận họ với như là một cường quốc hạt nhân.”

. Theo VNN, USA today

 

Tin Bình Nhưỡng hối hận là không chính xác

Hôm nay (24-10) Bắc Kinh  tuyên bố, thông tin CHDCND Triều Tiên "hối tiếc vì đã thử hạt nhân" là không chính xác và không có gì đảm bảo quốc gia này không thử nghiệm một lần nữa.

''Các thông tin đó không chính xác'', ông Lưu Kiến Siêu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao phát biểu trong buổi họp báo thường lệ. Tuyên bố này là phản ứng chính thức đầu tiên của Trung Quốc trước thông tin lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il nói với phái viên Bắc Kinh rằng Bình Nhưỡng hối tiếc vì gây khó khăn cho các nước láng giềng khi thử nghiệm hạt nhân hôm 9/10, và quốc gia này không có kế hoạch thử hạt nhân lần 2.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã tỏ ý nghi ngờ về những thông tin trên. Quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ nói rằng phái viên Đường Gia Triền không hề đề cập về lời xin lỗi hay hứa không thử hạt nhân khi bà gặp ông tại Bắc Kinh hôm 20-10, một ngày sau khi quan chức Trung Quốc này gặp ông Kim Jong-il tại Bình Nhưỡng.

Nói về tuyên bố của ông Kim Jong-il, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Kiến Siêu cho hay: ''Ông Kim ngụ ý rằng CHDCND Triều Tiên không có ý định tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần 2 nhưng nếu các quốc gia khác tiếp tục gây sức ép, nước này sẽ tính các bước tiếp theo''.

Nhận xét của ông Lưu Kiến Siêu dường như là một lời cảnh báo nếu Bình Nhưỡng bị trừng phạt vì vụ thử, nước này sẽ bất chấp đe dọa của cộng đồng quốc tế và thử nghiệm hạt nhân lần 2.

Trung Quốc, vốn từ lâu phản đối trừng phạt và ủng hộ đối thoại, đã đồng ý với các biện pháp hạn chế mà HĐBA LHQ đặt ra với CHDCND Triều Tiên vì thử nghiệm hạt nhân. Tuy nhiên, nước này vẫn lo ngại bất cứ lệnh trừng phạt nào sẽ khiến CHDCND Triều Tiên rơi vào bất ổn, gây mất ổn định tại biên giới nước này và có thể tạo ra làn sóng người tị nạn.

. Theo Reuters, AFP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thái Lan chọn Chủ tịch quốc hội  (24/10/2006)
Zimbabwe: Giá vé máy bay tăng gấp 5 lần  (24/10/2006)
Canada viện trợ Afghanistan 26 triệu USD  (24/10/2006)
Iran khởi động đợt làm giàu uranium thứ hai  (24/10/2006)
Mỹ: Một TNS gốc Phi có ý định tranh cử tổng thống  (24/10/2006)
Ông Ban Ki-moon đi Bắc Kinh bàn về vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng  (24/10/2006)
Cựu Thủ tướng Thaksin sẽ về nước khi hết thiết quân luật  (23/10/2006)
Bangladesh: Lật phà, 50 người mất tích  (23/10/2006)
CHDCND Triều Tiên có dấu hiệu nhượng bộ  (23/10/2006)
Israel thừa nhận sử dụng phốt pho trắng tại Lebanon  (23/10/2006)
Lần đầu tiên ông Bush so sánh Iraq với chiến tranh VN  (23/10/2006)
ASEAN đẩy nhanh việc thành lập cộng đồng kinh tế  (23/10/2006)
Cuba bổ nhiệm Bộ trưởng Giao thông Vận tải mới  (22/10/2006)
Afghanistan: thu giữ 16 tấn ma túy  (22/10/2006)
Fatah, Hamas thống nhất chấm dứt xung đột  (20/10/2006)