Chính quyền Panama từ đầu tuần này đã có thể thở phào nhẹ nhõm: gần 80% dân chúng đồng ý mở rộng kênh đào Panama. Như vậy, kế hoạch trị giá 5,2 tỉ USD để mở rộng kênh đào sẽ khởi động từ năm 2007 và hoàn tất trễ nhất vào năm 2014 (chính quyền Panama hứa sẽ thi công nhanh hơn, kết thúc vào năm 2011).
|
Kênh đào Panama dài 80km chỉ chấp nhận những tàu trọng tải không quá 65.000 tấn và phần chìm (độ mớn nước) không quá 12m. Những tàu dầu (trọng tải có chiếc tới 650.000 tấn, phần chìm là 26m) cùng những tàu sân bay Mỹ loại Nimitz không qua được kênh này. Trong ảnh: một chiếc tàu chở hàng đi qua kênh đào Panama. Ảnh: Wikipedia
|
Đây là kết quả cuộc vận động tích cực không chỉ của chính quyền Panama. Tập đoàn Trung Quốc Hutchison Whampoa, chịu trách nhiệm điều hành kênh đào, cũng có công lớn. Chủ nhân tập đoàn này là doanh nhân Trung Quốc Lý Gia Thành, người giàu nhất Đông Á và thứ 10 thế giới, với tài sản được tạp chí Forbes tính vào khoảng 18,8 tỉ USD. Lý Gia Thành sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc thời Đặng Tiểu Bình, có quan hệ mật thiết với giới doanh nhân Trung Quốc.
Bắc Kinh không bỏ lỡ sự hiện diện của Trung Quốc tại kênh đào Panama, bởi với kênh đào được hiện đại hóa, dầu đi từ Venezuela tới Trung Quốc trong 24 ngày, thay vì phải mất 45 ngày vì phải đi vòng Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương.
Tháng tám năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã ký thỏa thuận với Tổng thống Venezuela Hugo Chavez để Caracas mỗi năm cung ứng cho Trung Quốc 200.000 thùng dầu/ngày và tới năm 2012 là 1 triệu thùng/ngày. Như thế Venezuela sẽ đáp ứng được 20% nguồn dầu Trung Quốc cần và trở thành một trong những nhà xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới. Đổi lại, Venezuela sẽ mua của Bắc Kinh 18 tàu dầu trị giá 1,3 tỉ USD và trong thời gian tới sẽ đóng thêm hàng chục tàu nữa, biến Venezuela thành nước có hạm đội tàu chở dầu lớn nhất thế giới, độc lập khỏi việc thuê tàu của Mỹ.
Như vậy nhờ kênh đào Panama, Trung Quốc có thể lái nguồn dầu Venezuela vào hệ thống an ninh năng lượng của mình, sẵn sàng đối phó khi nguồn cung ứng từ Trung Cận Đông có thể bất ổn do chương trình hạt nhân của Iran. Về phần Panama, việc gia tăng lưu thông qua kênh đào sẽ giúp Panama nâng được GDP, tạm gác nỗi lo cạnh tranh từ Nicaragua - nước với sự ủng hộ của Washington đang muốn xây một kênh đào riêng nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.
. Theo Bloomberg, Kommersant |