Ngày càng nhiều người phương Tây đang cải giáo sang đạo Hồi và trong một số trường hợp đi theo con đường cực đoan. Tại sao họ lại cải giáo và đạo Hồi có sức hấp dẫn gì?
Jamal Harwood cầu nguyện năm lần mỗi ngày. Anh không uống rượu, hút thuốc hoặc ăn thịt lợn. Anh rất tích cực trong cộng đồng Hồi giáo địa phương. Tuy nhiên, nếu bạn tình cờ trông thấy anh trên phố, bạn hẳn là không biết anh là người Hồi giáo. Đó không chỉ bởi Harwood, một cố vấn tài chính ở London, mặc com lê thay vì trang phục Hồi giáo truyền thống. Đó là bởi vì anh là người... da trắng.
1 .
Sinh ra tại Vancouver, Harwood đã từng là một tín đồ Cơ đốc giáo mẫu mực, nghiên cứu kinh thánh, dự lễ tại nhà thờ và tham gia các lớp học tôn giáo ở trường. ''Tuy nhiên, có những dấu hỏi nhất định trong tôi - một số mang tính thần giáo, một số mang tính xã hội mà tôi muốn điều hoà''. Thế là Harwood tới Đông Nam Á để tìm kiếm bản thân và khám phá đạo Hồi ở đó. Ở tuổi 25, anh định cư tại London, nơi bạn bè đã giúp anh nghiên cứu nhiều hơn về đức tin này.
Một năm sau, Harwood cải giáo và mau chóng gia nhập Hizb ut-Tahrir, một nhóm chính trị nổi tiếng về những quan điểm cực đoan đã bị cấm tại nhiều quốc gia Hồi giáo. Hizb ut-Tahrir nằm trong danh sách theo dõi của Anh kể từ các cuộc tấn công khủng bố tháng 7/2005 tại London. Hardwood, 45 tuổi, hiện là phát ngôn của nhóm. Anh cho biết nhóm phản đối chủ nghĩa khủng bố. Mặc dù con đường mà anh lựa chọn có thể biến anh thành một đối tượng bị chính phủ giám sát song anh không hối tiếc. ''Tôi thấy đạo Hồi cho tôi những câu trả lời tốt, đáng tin cậy đối với những câu hỏi của tôi. Đi theo đạo Hồi chẳng có gì khó đối với tôi'', Harwood nói.
2.
Tình cảm đó là hoàn toàn thật đối với ngày càng nhiều người phương Tây được nuôi dạy dựa trên những đức tin khác hoặc chẳng có đức tin nào, những người đang cải giáo sang đạo Hồi. Điều này xảy ra bất chấp sự thực rằng mối quan hệ giữa thế giới Hồi giáo và phương Tây dường như khá căng thẳng. Mặc dù khó có thể đưa ra con số chính xác về những người cải giáo sang đạo Hồi song rất an toàn khi nói rằng số người cải giáo sang đạo Hồi ở Mỹ và châu Âu lên tới hàng trăm nghìn người. Bằng chứng cho thấy con số này tiếp tục tăng lên.
Vụ bắt giữ ít nhất ba người Anh cải giáo do âm mưu cho nổ tung những chiếc máy bay trở khách trên bầu trời Đại Tây dương đã làm dấy lên khả năng: các nhóm Hồi giáo cực đoan có lẽ đang tuyển dụng một số gián điệp tận tâm nhất của họ từ những tín đồ mới. ''Khi những người cải giáo đang cố gắng tìm đường trong tôn giáo mới, họ dễ chịu ảnh hưởng của những kẻ cực đoan. Thỉnh thoảng họ có thể bị thuyết phục bởi những kẻ thuyết giáo cực đoan, người xưng là đại diện cho tiếng nói ''thực sự'' của đạo Hồi khi mà trên thực tế họ chẳng đại diện cho ai cả'', Didier-Yacine Beyens, cựu chủ tịch của Tổ chức Hồi giáo tại Bỉ, đồng thời là một người cải giáo, cho biết.
Giống như phần lớn người Hồi giáo, số đông những người cải giáo là những người ôn hoà, bác bỏ chủ nghĩa cực đoan mà al-Qaeda và những nhóm tương tự tán thành. Tuy nhiên, cũng giống như mọi tôn giáo khác, những người cải đạo sang đạo Hồi có xu hướng sùng đạo hơn những người sinh ra đã là người Hồi giáo. Trên thực tế một số đã trở thành những tên khủng bố, trong đó có kẻ tình nghi đánh bom giày Richard Reid, Jose Padilla - người sinh ra ở Chicago và bị bắt cách đây 4 năm do liên quan tới một âm mưu đánh bom của al-Qaeda, cũng như Germaine Lindsay - một trong những kẻ đánh bom tự sát đã tấn công hệ thống tàu điện ngầm London mùa hè năm ngoái.
''Ban đầu các nhóm cực đoan Hồi giáo nghi ngờ những người mới chuyển giáo là lực lượng tình báo thâm nhập. Tuy nhiên, họ đang nhận ra rằng một số người mang họ phương Tây và mắt xanh sẽ gây ít nghi ngờ hơn. Hầu như không thể dò được những người chuyển giáo này, đặc biệt là nếu họ chưa tiết lộ việc chuyển đổi đức tin đối với gia đình'', Gustavo de Aristegui, một chuyên gia khủng bố ở Tây Ban Nha, đồng thời là tác giả của cuốn Jihad in Spain, cho biết.
Ba người Anh cải giáo bị bắt giữ đầu tháng 8 có ba điểm chung: tất cả đều là nam giới, được bạn bè mô tả là những gã bình thường và ở độ tuổi 20. Tuy nhiên, những sự tương đồng chỉ có vậy. Theo lời kể của bạn bè, Don Stewart-Whyte, đã đổi tên thành Abdul Waheed, cải giáo cách đây 6 tháng, từ bỏ ma tuý và rượu cồn. Anh ta để râu, cạo tóc và bắt đầu mặc trang phục Hồi giáo truyền thống. Bạn bè nói rằng Brian Young, có nguồn gốc Tây Ấn, gặp rắc rối bởi sự suy đồi của xã hội phương Tây. Oliver Savant, giờ tên là Ibrahim, là một người Hồi giáo khoảng 7 năm nay và chưa bao giờ nhắc tới chính trị. ''Anh ta chỉ nói về bóng đá và những chuyện thông thường'', một người bạn nói.
3.
Những lý do mà người cải giáo đưa ra rất đa dạng. Tuy nhiên, có một điệp khúc chung: trong một thế giới ngày càng thế tục nơi các quy tắc của xã hội trở nên lỏng lẻo hơn, đạo Hồi cung cấp một bản đồ tinh thần chi tiết gồm mọi thứ, từ tình bạn cho tới bảo vệ môi trường. Và đối với thanh niên phương Tây, đi theo đạo Hồi cũng có thể là một cách thoả mãn sự nổi loạn.
Đa số những người cải giáo, đặc biệt là ở Tây Âu, ở độ tuổi 18 đôi mươi. ''Đạo Hồi là một nơi nương tựa đối với những người bị chà đạp và bị tước quyền công dân bởi tín ngưỡng này đã trở thành tôn giáo của những người bị áp bức. Cách đây 20 năm, có lẽ họ đã chọn chủ nghĩa cộng sản hoặc đi theo các tư tưởng cánh tả. Giờ đây đạo Hồi là tôn giáo của những người chống chủ nghĩa tư bản, những người bị đối xử không công bằng bởi các xã hội phương Tây ngạo mạn và...'', GS Farhad Khosrokhavar tại Paris đồng thời là tác giả của nhiều cuốn sách về chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, cho biết.
Có một sự hấp dẫn nữa đối với việc cải giáo sang đạo Hồi: việc này tương đối dễ dàng. Trong Thiên chúa giáo và đạo Do thái, tiến trình cải giáo cần nhiều năm chuẩn bị và nghiên cứu. Ở đạo Hồi, tiến trình này được gọi là sự trở lại (bởi các tín đồ tin rằng mọi người được sinh ra đã là người Hồi giáo) và việc cải giáo chỉ là vấn đề thốt ra một tuyên bố đức tin dài hai dòng. Nói to Shahadah bằng tiếng Ả rập và việc cải giáo hoàn tất.
Tuy nhiên, những người mới chuyển giáo cũng phải đối mặt với sự nghi ngờ và áp lực giống như người Hồi giáo ở phương Tây ngày nay. Ali Khan, Giám đốc của Hội đồng hồi giáo Mỹ tại Chicago, cho biết ông đã từng phải thuyết phục vợ của một người mới cải giáo gần đây rằng chồng chị ta sẽ không đột ngột trở thành kẻ khủng bố. Một người cải giáo khác phải đảm bảo với anh trai, khi người anh hỏi: ''Cậu sẽ không giết tôi khi tôi đang ngủ chứ?''.
Có ít bằng chứng cho thấy những nhận thức tiêu cực về đạo Hồi ảnh hưởng tới tỷ lệ cải giáo (theo kết quả một cuộc thăm dò, chưa tới 20% người Mỹ nói rằng họ có hình ảnh tích cực về tôn giáo này). Ngược lại, kể từ vụ 9/11, một số ngôi đền đã chứng kiến sự gia tăng số người cải giáo sang đạo Hồi. ''Ý thức về đạo Hồi giờ đây lớn hơn nhiều, dù tiêu cực hay tích cực, so với giai đoạn trước 11/9. Mọi người đang trở nên tò mò. Thỉnh thoảng ý thức này bắt đầu khi họ bước vào một cửa hàng sách và bắt đầu đọc một cuốn kinh Koran sau khi nghe ông Bush nói về nó'', Khan nói.
Cuối cùng, con đường mà phần lớn người cải giáo lựa chọn sẽ được quyết định bởi kết quả cuộc cuộc đấu tranh lớn hơn trong lòng đạo Hồi, giữa các lực lượng ôn hoà và cực đoan.
Abdula, 22 tuổi, một người London cao lớn, để râu, có nguồn gốc Ghana, là một tín đồ Cơ đốc giáo sùng đạo cho tới khi một người bạn ở đại học giới thiệu với anh về đạo Hồi. ''Tôi bắt đầu nghiên cứu nhiều hơn về đạo Hồi để tìm những khuyết điểm của tôn giáo này. Tuy nhiên, tôi không thể và tôi đã bị cuốn hút''. Abdula chính thức cải giáo cách đây 10 tháng. Anh ủng hộ sự bình đẳng đối với phụ nữ và lên án khủng bố. Tuy nhiên, anh thừa nhận viễn cảnh của anh về thế giới vẫn đang định hình. ''Đây là những quan điểm của tôi và bạn phải hiểu những quan điểm đó có thể không đúng bởi tôi luôn cần sự dẫn dắt''.
Thách thức đối với phương Tây là đảm bảo rằng những nam giới như Abdula đi theo con đường đúng đắn.
. Theo VNN |