Tổng thống George W Bush tuyên bố thay thế bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Donald Rumsfeld sau các thất bại nặng nề của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử bán kỳ.
Ông Bush miêu tả ông Rumsfeld như một "nhà ái quốc, người phụng sự đất nước một cách xuất sắc và xứng đáng" nhưng cũng cho biết "sau một loạt cuộc bàn thảo sâu sắc", ông và ông Rumsfeld quyết định rằng "đây là thời điểm đúng đắn để đưa lên một lãnh đạo mới cho bộ quốc phòng". Ông Bush nói ông đề cử cựu giám đốc CIA Robert Gates để thay thế cho ông Rumsfeld.
Sự bất bình của công chúng đối với cuộc chiến tranh Iraq, là yếu tố quan trọng trong suốt chiến dịch bầu cử, dẫn tới kết cục Đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ nhờ kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ. Đảng Dân chủ thu về kết quả vượt xa mức cần thiết là phải có 15 ghế vượt trội để giành quyền kiểm soát Hạ viện từ tay Đảng Cộng hòa.
Các phóng viên nhận xét thắng lợi của Đảng Dân chủ phản ánh sự bất mãn của công chúng Mỹ về cuộc chiến Iraq cũng như tình trạng tham nhũng của chính phủ và sự phát triển kinh tế nói chung. Phóng viên BBC, Jamie Coomarasamy, tại Washington nói rằng kết quả làm thay đổi bức tranh chính trị tại Hoa Kỳ và nó cho thấy hai năm cuối trong nhiệm kỳ của ông Bush sẽ rất khác so với trước đây.
Trong khi kết quả kiểm phiếu tiếp tục được công bố, các số liệu cho thấy Đảng Dân chủ chiếm được 29 ghế từ tay Đảng Cộng hòa. Phe Dân chủ cũng được cho là giành được bốn trong số sáu ghế thượng nghị sĩ mà họ nhắm tới - và đang dẫn trước tại Montana và Virginia trong cuộc đua hết sức sít sao tại những nơi này.
Giới phân tích nói việc kiểm soát Hạ viện sẽ cho phép Đảng Dân chủ được quyền thực hiện các cuộc điều tra về chuyện chính phủ xử lý vấn đề Iraq ra sao, và có thể họ sẽ mang lại những thay đổi mạnh mẽ về chính sách đối nội như thuế khóa và y tế.
Lãnh đạo đảng Dân chủ trong Hạ viện, Nancy Pelosi - sắp trở thành nữ chủ tịch đầu tiên của Hạ viện Hoa Kỳ - phát biểu về nhu cầu cần phải có hướng đi mới tại Iraq. Bà tuyên bố rằng: "Chúng ta không thể tiếp tục con đường thảm họa này".
Trong số người giành được nhiều phiếu có bà Hillary Clinton, người được cho sẽ ra tranh cử chức tổng thống vào năm 2008, và ông Keith Ellison, người Hồi giáo đầu tiên được bầu vào Quốc hội.
Không có thay đổi nhanh tại Iraq
Cả chính quyền Iraq lẫn các nhà ngoại giao phương Tây đều không trông đợi bất kỳ sự thay đổi nhanh chóng nào tại Iraq sau kết quả của lần bầu cử bán kỳ.
Điều có thể diễn ra là tốc độ của nguồn tiền viện trợ từ Hoa Kỳ dành cho quân đội Iraq và các dự án dân sự sẽ chậm lại.
Nhưng câu hỏi lớn ở đây là liệu quân số của Hoa Kỳ tại Iraq có nhanh chóng giảm xuống hay không.
Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki, nói với BBC hôm kia rằng thời điểm binh sĩ và cảnh sát Iraq nhận lấy vai trò chủ đạo trong việc đối phó với các phần tử nổi dậy chỉ được tính bằng tháng, để có thể cho phép quân đội Hoa Kỳ giảm thiểu sự hiện diện của nó tại Iraq.
Nhân dân Iraq thì nghĩ rằng sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ càng giảm đi bao nhiêu thì việc thuyết phục các nhóm đang chiến đấu với các phần tử nổi dậy rằng họ nên bỏ cuộc và tham gia vào tiến trình chính trị sẽ càng dễ dàng hơn bấy nhiêu.
Tác động đối với chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ
Sự ra đi của ông Donald Rumsfeld và thành công của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử bán kỳ cho thấy sự thay đổi của một bối cảnh mà theo đó chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ sẽ được hoạch định.
Nếu như người ta muốn biết về những thay đổi sẽ diễn ra theo sau cuộc hoán đổi quyền lực ở Quốc hội Hoa Kỳ thì không phải chờ đợi lâu để có một câu trả lời.
Chỉ mới thứ Năm vừa qua, Tổng thống Bush tuyên bố rằng ông muốn ông Donald Rumsfeld tiếp tục giữ chiếc ghế Bộ trưởng Quốc phòng trong nội các của ông cho đến hết nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Nay, trước những thất bại to lớn của Đảng Cộng hoà trong lần bầu cử bán kỳ - một thất bại được nhiều người đánh giá như một phần của một cuộc trưng cầu dân ý về cuộc chiến Iraq – ông Donald Rumsfeld bị buộc phải ra đi.
Ông Rumsfeld là kiến trúc sư của một chiến lược quân sự và, theo như các nhà bình luận đánh giá, sự ra đi của ông là khiếm khuyết một cách nguy hiểm.
Nhưng cung cách loại trừ ông Rumsfeld không hẳn đồng nghĩa với việc rũ bỏ một chính sách.
Sự thay đổi tại Iraq gần như là một điều chắc chắn nhưng bất cứ một phương hướng mới nào cũng sẽ phải đợi cho đến khi bản báo cáo của một ủy ban lưỡng đảng cấp cao được hoàn tất. Mà ủy ban này thậm chí còn đang xem xét và cấn nhắc đến các khả năng.
Như một nhân vật trong cuộc cho biết vào sớm ngày hôm nay "kết quả vẫn còn chưa rõ ràng", nhưng uỷ ban này hiện phải hứng chịu một sứ ép to lớn trong việc phải hoàn tất các báo cáo. Sẽ không có một giải pháp nào thật sự hấp dẫn và dễ dàng.
Và ở đây yếu tố có thể hỗ trợ cho tổng thống Bush chính là việc ngay cả những đảng viên Dân chủ, cũng không đưa ra được một chính sách cụ thể.
Nhưng việc hy sinh ông Rumsfeld có thể không đủ để che chắn cho chính quyền Bush trước các cuộc điều tra của Quốc hội về cách hành xử của nó trong cuộc chiến Iraq và việc chiếm đóng sau đó.
Sự xuất hiện của việc giám sát và đánh giá của Quốc hội, không chỉ đối với chính sách đối ngoại, có thể là một trong những hệ quả đáng kể của lần bầu cử bán kỳ này.
Một học giả Hoa Kỳ từng nói, các cơ cấu hiến pháp của Hoa Kỳ được tạo ra là để cho Quốc hội và Tổng thống "tranh đấu dành đặc quyền chỉ đạo chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ" và cuộc đấu tranh này cho thấy sẽ được tái tục theo đúng nghĩa của nó.
. Theo BBC |